Đó là kết luận cay đắng của rất nhiều người trước việc các "đại gia" công nghệ như Google, Facebook, Uber... chuyển hàng ngàn tỉ đồng ra khỏi VN mà không nộp một đồng thuế nào.
Không cay đắng sao được khi trước đó, có hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp (DN) Việt bị "bêu" tên trong chiến dịch quyết liệt thu hồi nợ thuế của Bộ Tài chính cũng như các đơn vị liên quan. Phải khẳng định rằng, việc này là hoàn toàn đúng, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn mà danh sách nợ thuế ngày càng nhiều. Với các DN chây ỳ, đây là biện pháp mạnh và hiệu quả. Nhưng trong danh sách đó, cũng có rất nhiều DN vì khó khăn, vì đối tác chưa kịp trả tiền, vì không thu hồi được công nợ... "vạn bất đắc dĩ" phải nợ thuế.
Không chỉ DN, các hộ kinh doanh cá thể năm vừa qua cũng bị "siết" hơn về thuế. Ngoài đóng thuế khoán, nếu xuất tờ hóa đơn nào thì phải đóng thêm khoản thuế bằng 1,5% doanh thu trên tờ hóa đơn đó. Thậm chí, với quy định các hộ kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm (tương đương doanh thu 277.000 đồng/ngày) phải đóng thuế thu nhập cá nhân, bất cứ bà bán phở, ông bán hủ tiếu nào cũng đều thuộc diện phải đóng thuế. Ấy thế mà các đại gia công nghệ thế giới với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm lại ung dung chẳng đóng đồng nào. Không cay đắng sao được.
Không chỉ ngân sách thất thu, việc né thuế của các đại gia công nghệ còn đang "bóp chết" các DN nội trong cuộc cạnh tranh về giá cả cũng như nguồn nhân lực. Theo một chuyên gia, cạnh tranh nhân lực trong ngành công nghệ là cực kỳ khốc liệt. Muốn có nhân lực chất lượng cao thì phải trả lương tương xứng. Nhưng để trả mức lương tương đương với Google, Facebook, Apple..., DN nội phải bỏ ra số tiền gấp rưỡi vì phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho họ. Trong khi đa số DN Việt tài chính mỏng nên đành chấp nhận thua cuộc trong việc thu hút chất xám. Chẳng thế mà thị phần của DN nội ngày càng teo tóp.
Ngược lại, doanh thu, thị phần của các ông lớn công nghệ tăng nhanh như vũ bão. Đến nay, hơn 90% thị phần quảng cáo trực tuyến đã nằm gọn trong tay 2 đại gia Google và Facebook. Nếu cứ tiếp diễn, miếng bánh quảng cáo trực tuyến béo bở chẳng mấy chốc sẽ bị tước khỏi tay DN nội trên chính sân nhà. Đây chính là nỗi khổ của các DN công nghệ thông tin đã từng bày tỏ nhiều lần với mong muốn được ưu đãi nhiều hơn về thuế, kéo gần những bất bình đẳng với DN nước ngoài.
DN nước ngoài vào VN kinh doanh, kiếm lợi thì DN nội mất đi cơ hội kiếm tiền ở lĩnh vực đó và quyền lợi của chúng ta chính là thu thuế. Nếu không thu được thuế, nghĩa là chúng ta đang "mất cả chì lẫn chài". Vì vậy, dù khó khăn đến đâu nhiệm vụ của ngành thuế là trả lại công bằng cho người dân, DN cũng như môi trường kinh doanh nội địa.
Không thể cứ duy trì tình trạng các đại gia công nghệ "ăn cơm VN, đóng thuế nước ngoài" như hiện nay mãi.
Bình luận (0)