Bắt nạt người bán vé số dạo

06/09/2016 05:32 GMT+7

Trong khi máy bay, ô tô, đồ điện tử cho đến trái cây, rau củ ngoại được nhập khẩu hằng ngày vào VN thì người bán vé số dạo ở Ninh Thuận lại bị xử phạt vì bán vé số miền Nam trên địa bàn miền Trung!

Nực cười là chuyện "ngăn sông cấm chợ" diễn ra ngay trong chính giai đoạn nền kinh tế VN hội nhập sâu rộng với thế giới.
Theo lý giải của Giám đốc Sở Tài chính Ninh Thuận, việc này xuất phát từ Thông tư 75 của Bộ Tài chính, theo đó vé số khu vực nào chỉ được phát hành ở khu vực đó, không được phát hành sang khu vực khác nên các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh này cứ "chiếu" quy định mà làm. Liên quan đến vấn đề này, một số luật sư cho rằng quy định này không nhắm đến người bán lẻ (người bán vé số dạo) mà đối tượng điều chỉnh là các đại lý, các công ty phát hành vé số.

Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ đối tượng nào bị cấm bán mà về bản chất quy định này đã quá lỗi thời, đi ngược với cơ chế thị trường, ngược với tinh thần "người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm" của luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư mới. Hãy hình dung thế này, nếu địa phương nào cũng "tự sản - tự tiêu" thì doanh nghiệp làm sao mở rộng quy mô, phát triển kinh doanh? Làm gì có thị trường, cạnh tranh, hàng hóa cho người tiêu dùng lựa chọn? Nhìn xa hơn, các vị lãnh đạo đất nước cần gì phải nhọc nhằn, vất vả đàm phán hiệp định này, hiệp định kia để thông thương với thế giới? Đặt trường hợp vì Ninh Thuận cấm bán vé số của miền Nam, miền Trung, lãnh đạo các địa phương khác cũng "tức mình" cấm bán vé số, bán nho hay các sản phẩm được sản xuất từ Ninh Thuận thì mọi việc sẽ đẩy đi tới đâu?
Đáng nói hơn là với ngành xổ số, hàng chục năm nay, những bất cập của mô hình xổ số truyền thống đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Năm 2013, trước 2 tháng Thông tư 75 của Bộ Tài chính được ban hành cũng là lúc Báo Thanh Niên có loạt bài Vé số bán ế vẫn lãi cao, phân tích rất cụ thể, rõ ràng về những tồn tại, lãng phí của mô hình xổ số truyền thống. Theo đó, rất nhiều tỉnh, thành lượng vé số tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 25 - 30% trong tổng lượng phát hành. Số vé ế khổng lồ còn lại phải đem tiêu hủy, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách. Ngay thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất mô hình tổng công ty phát hành vé số trên cả nước, các công ty xổ số ở địa phương sẽ là đại lý hoặc là thành viên của tổng công ty này và dựa trên nhu cầu của từng địa phương để đưa ra lượng vé in sát với thực tế, hạn chế lãng phí. Thế nhưng, thay vì nghiên cứu mô hình này hay đẩy nhanh vé số điện toán để hạn chế lãng phí, việc mà Bộ Tài chính làm là đưa ra quy định ngăn không cho bán vé số miền này ở miền khác, tạo điều kiện cho một số địa phương làm khó những người bán vé số dạo.

Theo luật Đầu tư năm 2014, từ 1.7.2016, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Nhưng không hiểu vì lý do gì, một quy định lỗi thời, đi ngược xu thế hội nhập của đất nước, đi ngược với chủ trương tạo môi trường thông thoáng của Chính phủ trong kinh doanh xổ số như nói trên vẫn chưa được loại bỏ. Để lãnh đạo Sở Tài chính Ninh Thuận vẫn có cớ "bắt nạt" những người bán vé số dạo thân cô thế cô như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.