Cần máy đuổi chim 5 triệu USD, tôi mách cho

05/08/2016 06:15 GMT+7

Dư luận vẫn chưa hết sửng sốt trước đề xuất của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) chi 1.162 tỉ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ đuổi chim cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất khi luận chứng kinh tế kỹ thuật mà họ đưa ra thiếu sức thuyết phục...

Chính Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cũng cho rằng mức giá này là quá cao. Nó có cả sự bất hợp lý trong đó khi ACV đưa ra giải pháp kỳ quặc: chia bổ đầu 2 máy đuổi chim (sẽ thực dùng) ở 2 sân bay này cho toàn bộ 22 cảng hàng không mà họ quản lý. Điều này sẽ rất bất công cho các hãng hàng không nào hiện diện tại nước ta. Vì nếu có chuyến bay ở các sân bay còn lại, không được thụ hưởng công nghệ này nhưng họ vẫn bị è cổ ra nộp phí thay. Giả dụ như chim ở những nơi không có máy đuổi quấy nhiễu, gây tổn thất cho hãng của họ thì ai chịu trách nhiệm?
Đề xuất của ACV hiện khá sơ sài khi còn thiếu một loạt nội dung quan trọng như loại hợp đồng dự án; phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế xã hội của công trình. Bên cạnh đó, dự án cũng không cung cấp các báo giá tham khảo cho thiết bị để làm cơ sở sơ bộ xác định tổng mức đầu tư vì sao lại lên đến 1.162 tỉ đồng.
Phải chăng, đây chính là căn bệnh của thứ độc quyền lâu nay ở cảng hàng không, một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng độc quyền sân bay, tự áp đặt các dịch vụ phi lý buộc các hãng không muốn theo cũng phải theo. Việc này các hãng đã nhiều lần phàn nàn và rất ấm ức, nhưng rồi chẳng ai can thiệp, gỡ nút thắt vô lý giúp cho họ. Việc vừa rồi ACV chấp nhận một doanh nghiệp làm đối tác khi nhập thiết bị đuổi chim nói trên đã cho thấy nhiều khả năng họ đã thiếu sự công khai trong việc đấu thầu quốc tế để ấn định một mức giá cao ngất ngưởng khó hiểu.
Một người bạn của tôi cho biết, tháng 2.2012 các sân bay ở Thái Lan chính thức nghiệm thu hệ thống đuổi chim do Xsight (Israel) sản xuất và đưa vào hoạt động cũng chỉ có mức giá chưa đến 5 triệu USD/đường băng. Đây mới chỉ là mức giá chào hàng công khai và vẫn chưa thương lượng, việc sử dụng cũng rất hiệu quả. Vậy tại sao chúng ta không tham khảo Thái Lan trước khi ACV thương thảo với chính hãng này, việc gì mà phải thông qua doanh nghiệp trung gian vòng vo, bí hiểm?
Đây cũng là một bài học của câu chuyện bán đấu giá sân bay cho tư nhân mà năm trước chúng ta đã nhắc đến với nhiều ý kiến trái chiều chưa được giải tỏa. Liệu sau này, khi đã thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tư nhân nhảy vào thì ai sẽ kiểm soát nổi mức đầu tư giá trên trời đó của họ? Ai dám cam đoan họ sẽ không bắt các hãng hàng không cũng như hành khách đi máy bay phải chịu phí dịch vụ trời ơi kia? Câu hỏi này xin dành lại cho các cơ quan quản lý nhà nước đang tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.