Chậm trễ là tụt hậu

04/07/2016 06:24 GMT+7

Cầu Ghềnh (Đồng Nai) hoàn thành sớm 20 ngày, tiết kiệm 200 tỉ đồng cho xã hội. Câu nói "thời gian là tiền bạc" không còn là sự ví von mà được "quy" thành những con số, những giá trị cụ thể, thiết thực.

Năm 2013, lần đầu tiên tại VN nhà thầu thi công vượt tiến độ hợp đồng dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Đàm đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị thưởng gần 180 tỉ đồng. Theo tính toán, tổng lợi ích từ việc rút ngắn tiến độ 2 gói thầu này vào khoảng 1.499 tỉ đồng.
Cuối tháng 4.2015, QL20 (đoạn từ Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đi TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) chính thức thông xe, sớm 7 tháng so với kế hoạch, tiết kiệm 1.200 tỉ đồng vốn đầu tư, chưa tính đến những lợi ích lớn từ việc rút ngắn thời gian xe di chuyển về TP.HCM gần 3 giờ. Trước đó, việc về đích sớm của thủy điện Sơn La cũng tiết kiệm cho nhà nước cả tỉ USD...
Nếu mỗi dự án hoàn thành sớm có thể mang lại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng cho nhà đầu tư, cho ngân sách nhà nước thì việc thực thi sớm các chính sách thiết thực còn mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều. Theo tính toán của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, nếu giảm thời gian thông quan được 1 ngày, chúng ta sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế hơn 1 tỉ USD/năm. Giảm ngang với trung bình ASEAN - 4, chúng ta tiết kiệm được 10 tỉ USD/năm. Tại hội nghị của ngành thuế tổ chức đầu năm nay, đơn vị này cho biết, năm 2015 đã tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ đồng từ việc cải cách nhiều thủ tục hành chính...
Đáng tiếc là những dự án, chính sách thực thi sớm, nhanh vẫn còn khiêm tốn hơn rất nhiều so với việc chậm trễ. Tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước có hàng trăm, hàng ngàn dự án đã lên kế hoạch, thậm chí đã khởi công nhưng sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Đơn cử như dự án cầu sắt Bình Lợi (Q.Bình Thạnh), cây cầu được nhắc đến đầu tiên sau khi xảy ra sự cố cầu Ghềnh bởi có nhiều nét tương đồng. Đây là cây cầu lưu thông cho tuyến đường sắt nối liền nam - bắc, điểm cuối đi và đến TP.HCM nhưng có tuổi thọ đã trên trăm tuổi, nguy hiểm và kém chất lượng hơn cả cầu Ghềnh. Khi cầu Ghềnh bị sập, nhiều người lo ngay ngáy cho cầu Bình Lợi. Thế nhưng dự án khởi công hơn năm nay rồi vẫn bỏ đó. Rồi dự án mở rộng xa lộ Hà Nội sau hơn 5 năm thực hiện vẫn chưa thể hoàn thành. Hay 8 năm sau khi triển khai với nhiều lần gia hạn, dự án thoát nước giai đoạn 2 (Hà Nội) cũng không thể về đích...
Với các dự án chậm tiến độ, thiệt hại là cực lớn. Đầu tiên là bị đội vốn hàng ngàn tỉ đồng; nhiều dự án bị nhà thầu nước ngoài đòi bồi thường hàng triệu USD; làm liên đới đến cuộc sống người dân và hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp... Không chỉ về kinh tế, các dự án chậm tiến độ còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư trong nước. Hạ tầng cơ sở yếu kém khiến chi phí vận chuyển tại VN cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, góp phần kéo giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa Việt. Đáng lo ngại hơn, việc này còn dẫn tới những bất ổn xã hội, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Minh chứng rõ nhất là việc gia tăng các vụ kiện cáo giữa khách hàng và các chủ đầu tư bất động sản chậm giao nhà, bỏ hoang dự án...
Nhanh - chậm đồng nghĩa với được - mất nguồn lực của xã hội, của đất nước. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm cụ thể và có chế tài mạnh với các tổ chức, cá nhân gây ra sự chậm trễ trong thực thi chính sách cũng như tiến độ các công trình thì không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế mà nguy cơ tụt hậu ngày càng tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.