Trong những buổi tiếp xúc, lần nào cử tri TP.HCM cũng bức xúc và
kiến nghị với các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo thành phố, kể cả Chủ tịch
nước, về việc giải quyết dứt điểm vấn nạn ma túy.
Dù có nhiều cố gắng nhưng các biện pháp hiện vẫn chưa đủ quyết liệt nên kết quả nửa vời, vấn nạn ngày càng gia tăng.
Có lẽ không đâu trên thế giới này con nghiện lại công khai chích choác và gây án như ở VN. Bi kịch là người dân sợ con nghiện chứ con nghiện không sợ ai. Khi NGƯỜI biến thành CON, thậm chí không phải “con” thường mà là ác thú hoặc quỷ dữ thì mức độ nguy hại vô chừng. Cả những vùng trọng điểm ma túy như khu tam giác vàng (Myanmar, Lào, Thái Lan) mà người viết từng có dịp đến nhiều lần cũng không thấy con nghiện có mặt nhan nhản khắp nơi như ở TP.HCM. Số liệu cơ quan phòng chống ma túy cho biết, từ 1.12.2014 đến 29.2.2016 (15 tháng), xét nghiệm gần 20.000 người có nguy cơ thì có 70,52% dương tính với ma túy.
Lãnh đạo Công an TP cũng khẳng định: “Hơn 90% tội phạm là con nghiện ma túy”. Gõ từ “Con nghiện” hoặc “Ngáo đá” trên Google, chưa đầy nửa giây, đều cho ra gần 400.000 kết quả. Báo chí TP và cả nước ngày nào cũng có tin con nghiện quậy phá hoặc gây án. Nhẹ thì leo lên mái nhà, trèo cột điện, nhảy cầu... Nặng thì cướp của, trấn lột; không từ một ai, kể cả cha mẹ mình. Ngày 17.2, ở Bình Thạnh, con 36 tuổi ngáo đá, đánh mẹ 72 tuổi nhập viện. Ngày 6.3, ở Q.4, con 51 tuổi ngáo đá, hành hung và đòi giết mẹ 85 tuổi… Những dòng tin như thế không còn quá khó tìm và ngày càng xuất hiện phổ biến hơn.
Ngay trung tâm Q.1, phải chờ Bí thư Thành ủy chỉ đạo mới rốt ráo dọn dẹp tụ điểm tiêm chích ở chợ Nancy cũ. Nếu lãnh đạo chưa lên tiếng, chẳng biết đến bao giờ nạn ngáo đá mới bị truy quét. Phải đoạn tuyệt với cách nghĩ và cách làm cũ. Tinh thần thụ động và vô cảm phải được thay thế bởi sự đồng cảm, gần gũi, chia sẻ những bức xúc của người dân và nỗ lực giải quyết triệt để. Nếu không làm được, hãy tự giác từ chức, nhường chỗ cho người khác, trước khi bị cách chức.
Chẳng lẽ việc gì cũng phải chờ ý kiến của Bí thư Thành ủy, chờ lãnh đạo cầm tay chỉ việc? Việc gì an dân, có ích cho cộng đồng, loại trừ nguy hại tới xã hội thì phải kiên quyết thực hiện. Nhiệm vụ đã quy định rạch ròi, không thể đổ “tại” và “bị”. Phường xã nào cũng có chính quyền đầy đủ với lực lượng chức năng như công an, dân phòng, thậm chí có thể tăng cường cả cảnh sát cơ động, quân đội đóng quân trên địa bàn quận, huyện, chưa kể hàng chục hội đoàn theo lứa tuổi và nghề nghiệp; mà cứ để con nghiện lộng hành như chỗ không người thì quá phi lý.
Khi gia đình bất lực, nhà nước phải tập trung cải tạo và quản lý, bởi đó là những thành phần nguy hiểm của xã hội. Địa phương nào không dẹp được con nghiện, doanh nghiệp nào sử dụng lao động đang là con nghiện phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc.
Lâu dài, cần có những biện pháp căn cơ về giáo dục, bắt đầu từ gia đình. Khi phát hiện, con nghiện phải được cách ly và chữa trị. Đã cai, không để tái nghiện. Đã là nguy cơ tội phạm tương lai thì phải tập trung để quản lý, vừa để chữa trị, vừa để răn đe và quan trọng là người nghiện không có điều kiện phạm pháp.
TP đang nỗ lực quyết liệt để giành lại vị trí số 1 của khu vực. Chẳng lẽ lại bất lực để con nghiện hoành hành, phá hoại và cản trở khát vọng chính đáng của mọi người?
Bình luận (0)