Chỉ cần người dân không cô đơn

09/05/2016 05:36 GMT+7

Sau một đêm, gần 3 tấn cá trắm sắp đến ngày thu hoạch chết phơi bụng, khiến nông dân Nguyễn Thị Báu - xã Thành Vinh, H.Thạch Thành, Thanh Hóa không thể đứng vững.

Nhưng bà cũng chỉ là một trong số hàng chục hộ dân đang nuôi cá lồng trên sông Bưởi rơi vào cảnh này, hàng chục tấn cá đã chết thảm. Thủ phạm rất nhanh chóng được xác định là nước thải chứa độc tố của nhà máy sản xuất mía đường của tỉnh lân cận.
Có điều, cũng giống như thảm họa “biển chết” dọc miền Trung những ngày vừa qua, hay xa hơn là chuyện Vedan xả thải giết chết sông Thị Vải, hồi năm 2008, chính quyền tỏ ra rất lúng túng trong việc xử lý vấn đề liên quan đến môi trường, ở mức độ từ ít nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Đáng lẽ, khi thủ phạm gây ra cá nuôi chết trên sông Bưởi được xác định, chính quyền H.Thạch Thành, cũng như tỉnh Thanh Hóa, thay vì yêu cầu một cách chung chung thì phải yêu cầu nhà máy mía đường khắc phục hậu quả, cần phải cưỡng chế chế tài ngay theo quy định pháp luật, đồng thời hướng dẫn người dân một vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại.
Chúng ta (bao gồm cả chính quyền và người dân) có vẻ như chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để ứng xử với các vấn đề về môi trường - được cảnh báo là sẽ ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế. Nhìn cảnh người dân căng lều, dựng trại để canh không cho doanh nghiệp chôn hóa chất độc hại (Thạch Thành, Thanh Hóa) mới thấy họ quá cô đơn trên con đường tự bảo vệ môi trường sống của mình. Vì sao thay vì khởi kiện doanh nghiệp để đòi công lý, những người nông dân phải tự tay mình đào bới những khu vực nghi là chôn hóa chất độc hại? Vì sao các ngư dân phải tự mình lặn biển để xác nhận rằng đáy biển đã “chết”? Hình ảnh lưới sạch “như giặt” đau đớn chính là ở chỗ ấy, nó nói rằng, chúng ta đang trắng tay về kiến thức lẫn tâm huyết trong việc giải quyết vấn đề môi trường do chính chúng ta là thủ phạm.
Báo cáo thanh tra môi trường hằng năm của Bộ TN-MT, có những đánh giá lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác như thế này: chỉ có thể xử phạt hành chính, rất khó xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng trong xả thải ra môi trường; khó có thể thanh tra đột xuất vì công tác này phải theo kế hoạch và có thông báo trước theo đúng luật Thanh tra... Vi phạm nhiều nhưng chưa từng có doanh nghiệp xả thải trái phép nào bị khởi tố, người ta cho rằng: để có thể khởi tố cần phải chứng minh được hậu quả từ việc gây ô nhiễm môi trường là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, trong khi việc giám định, đo đếm rất khó khăn, tốn kém... làm cho những vi phạm về xả thải ra môi trường không giảm là do luật đấy thôi.
Chúng ta đang tàn phá môi trường và đầu độc mình. Đừng bao giờ và đừng ai nói rằng phải lựa chọn môi trường và kinh tế. Chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng bền vững, chỉ cần người dân không cô đơn trên con đường bảo vệ môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.