Đúng ra, nó là “chuyện của ngày hôm nay”.
Cho tới giờ này, ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất, những đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn ngày đêm làm việc. Đã tìm ra những di vật, những đồ dùng sinh hoạt bình thường của những liệt sĩ cảm tử đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng Tết Mậu Thân - cách đây hơn 49 năm. Và nay, chỉ nhìn thấy qua ảnh, nhiều người trong chúng ta đã rơi nước mắt.
Cũng trong thời gian gần 25 ngày sau Tết Mậu Thân, khi bộ đội giải phóng chốt trụ ngay trong thành phố Huế, thì tại vùng A Lưới - cách thành phố Huế khoảng 40 km, đã xảy ra một sự kiện hết sức âm thầm. Một chiếc máy bay vận tải cảm tử bay từ miền Bắc vào thả lương thực và vũ khí tiếp tế cho chiến trường Huế đã bị máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ. Tất cả những chiến sĩ trên máy bay vận tải ấy đều hy sinh. Trước khi máy bay cất cánh, tất cả họ có biết mình sẽ bay vào chỗ chết không? Họ biết nhưng vẫn bay vì lúc đó chiến trường Huế đang thiếu vũ khí, thiếu lương thực nghiêm trọng. Đồng đội của họ sẽ chết nếu tiếp tục thiếu vũ khí và lương thực. Thế là chuyến bay cảm tử đã được thực hiện.
Tháng 7.1984, tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang cũng xảy ra một trận chiến cảm tử, khi những người lính giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc đã khắc một dòng chữ lên đá núi “Chết thành đá linh hồn bất tử”. Họ đã chết. Và những mỏm đá nơi địa đầu Tổ quốc vẫn còn.
Đó là những câu chuyện của “ngày hôm qua”, nhưng thực sự, nó là những câu chuyện của ngày hôm nay. Bởi những người đang sống trong hòa bình như chúng ta hôm nay sẽ vô cùng có lỗi nếu lãng quên những câu chuyện đó.
Hôm qua, tôi mới được đọc một câu chuyện do nhà văn Cao Duy Thảo kể về nghệ sĩ múa - liệt sĩ Phương Thảo. Khi chị Phương Thảo từ Hà Nội xung phong vào chiến trường Khu 5 và hy sinh trên đất Quảng Nam, một gia đình nông dân đã nhận mai táng chị Phương Thảo ngay trong khu vườn nhà mình, che giấu, bảo vệ ngôi mộ bình an suốt cuộc chiến tranh. Đó là câu chuyện của ngày hôm qua, nhưng nó hiện lên ngay trong ngày hôm nay như một thông điệp: máu xương các liệt sĩ thì không bao giờ là quá khứ cả.
Một người bạn của tôi ngày đi chiến trường, một dược sĩ cao cấp, đã hy sinh trên Trường Sơn, tới nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Mới đó mà đã 46 năm rồi. Nhưng đó đâu phải là chuyện của ngày hôm qua.
Bình luận (0)