Mặt đường QL1 trồi sụt, gồ ghề “sống trâu” sau khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu và ngay cả chuyện nguyên nhân được các bên đổ tại “thời tiết", tại “xe quá tải” không phải là chuyện mới. Vấn đề là người ta đã “né” câu chuyện trách nhiệm về mặt chất lượng thi công quá lâu, mà quản lý nhà nước dường như cũng chưa có biện pháp gì để giải quyết.
Còn nhớ, hồi tháng 6 năm ngoái, khi lần lượt các dự án cải tạo QL1, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình, rồi đoạn đường tránh Vinh bị lún, nứt sau khi đưa vào sử dụng, Bộ GTVT đã ngay lập tức thành lập đoàn thanh tra để “thanh tra toàn diện các dự án cải tạo QL1”. Chưa rõ tiến độ việc thanh tra này đến đâu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ báo cáo thanh tra nào được công bố, chí ít cũng để những người phải trả phí hằng ngày khi tham gia giao thông, phải đóng thuế hằng năm đầu tư cho hạ tầng giao thông cảm thấy yên tâm rằng, những đoạn đường mà mình đang đi đảm bảo chất lượng và được giám sát bởi một cơ quan quản lý công tâm.
Trả lời ở bài viết Quốc lộ 1 mấp mô như sóng trên Báo Thanh Niên ngày 28.6, trong khi Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) tiếp tục nói rằng đường lún là do nhiệt độ nền đường quá cao, thì Tổng giám đốc Công ty CP Tasco - chủ đầu tư một đoạn dài 30 km trên tuyến QL này thừa nhận: “Việc thiết kế chưa phù hợp, ở vùng nắng nóng thì phải dùng nhựa chịu nhiệt nhưng nếu dùng thì tăng chi phí lên cao”. Câu hỏi ở đây là ai là người duyệt những bản thiết kế “chưa phù hợp” ấy, nó căn cứ trên tiêu chuẩn nào? Việc sử dụng một thiết kế không đảm bảo chất lượng để tiết kiệm chi phí là quyết định của ai? Có lợi cho ai?
Thời tiết chỉ giúp bộc lộ nhanh nhất những yếu kém của khâu thiết kế hoặc thi công mà thôi, chất lượng con đường không đảm bảo mới là nguyên nhân sâu xa.
Nếu thực sự muốn tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng lún, nứt tại hầu hết các dự án vừa đưa vào sử dụng trên QL1, Thanh tra Bộ GTVT chỉ cần trả lời mấy câu hỏi này. Và có lẽ cũng không cần thời gian quá lâu, tới 1 năm vẫn chưa có câu trả lời như đã nói ở trên.
Cần phải nhắc lại rằng, 40 dự án cải tạo QL1 dọc tuyến hiện nay đều là dự án BOT, khi các dự án này hoàn thành, các chủ đầu tư sẽ được quyền dựng trạm thu phí, song song với phí đường bộ mà người dân đang phải nộp hằng năm theo đầu phương tiện.
Sẽ rất bất công khi người ta tính toán để tối ưu hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư, trong khi người dân gánh phí chồng phí mà vẫn phải chấp nhận lưu thông trên những đoạn đường không đảm bảo chất lượng.
Quản lý nhà nước đứng ở đâu trong câu chuyện lợi ích này?
Quản lý nhà nước không thể và cũng không nên chịu trách nhiệm về chất lượng của từng đoạn đường, nhưng phải chịu trách nhiệm nếu việc tuân thủ luật pháp không bảo đảm, để xảy ra những vấn đề mang tính hệ thống trong lĩnh vực phụ trách, vì lợi ích quốc gia.
Bình luận (0)