Học sinh giỏi khước từ sư phạm

Mặc dù các trường sư phạm hàng đầu trong cả nước vẫn có điểm chuẩn cao trong mùa tuyển sinh năm nay nhưng hiện tượng một số trường CĐ hoặc ĐH có đào tạo ngành sư phạm ở nhiều địa phương có điểm trúng tuyển quá thấp dẫn đến nỗi lo chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Nhất là khi ngành giáo dục đang có chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Không lo lắng sao được khi còn có nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đang tiếp nhận những học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình. Gánh nặng đang đặt lên vai người đứng đầu ngành giáo dục, các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên. Khi không nhiều học sinh vừa tốt nghiệp THPT lựa chọn nghề dạy học thì tương lai giáo dục và sự đóng góp của giáo dục nước nhà sẽ ra sao? Đó là câu hỏi của giáo dục hiện nay ở nước ta.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ký ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Cách thức đi đến mục tiêu của chương trình giáo dục mới là hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh qua kiến thức. Người góp phần to lớn trong việc trang bị kiến thức cho học sinh chính là thầy cô giáo. Nếu như thầy cô giáo không phải là những người giỏi, thậm chí là những người giỏi nhất trong số các học sinh trung học phổ thông, liệu chúng ta có thể có được một thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được phê duyệt?
Mong mỏi của toàn xã hội, của những người đứng đầu đất nước, đứng đầu ngành giáo dục ở các cấp là làm sao để chúng ta có được một thế hệ học sinh tương lai hoàn toàn tự tin bước vào cuộc sống, phát triển bản thân, làm cho đất nước cường thịnh. Mong mỏi đó chỉ được thực hiện tốt nhất khi chúng ta có một đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, đồng thời là những chuyên gia về giáo dục.
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là việc làm cần thiết trong thời điểm này cùng với đổi mới chương trình và nội dung giáo dục, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá trong trường sư phạm. Trong khi chúng ta vẫn còn quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên và chất lượng đội ngũ, quản trị chưa tương đương thì trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục trong việc quy hoạch và chấn chỉnh các cơ sở đào tạo giáo viên là việc phải làm ngay để giảm thiểu và đi đến loại bỏ những cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông.
Quyết tâm thay đổi các cơ sở đào tạo giáo viên của người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo thể hiện rõ trong việc tuyên bố tập trung nguồn lực cho các trường sư phạm ở mọi khía cạnh. Điều này rõ ràng đã tác động không nhỏ đến việc đào tạo đội ngũ nhà giáo tương lai. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những việc đó thì cũng không thể làm thay đổi giáo dục nước nhà khi những học sinh giỏi vẫn khước từ sự vẫy gọi của các trường sư phạm; khi trước mặt họ là hình ảnh các thế hệ thầy cô vẫn phải lo lắng vì đầy rẫy những khó khăn về vật chất trong cuộc mưu sinh.
Vì thế rất cần sự thay đổi có tính chất đột phá của nhà nước trong giáo dục để thay đổi vị thế nhà giáo, không chỉ ở khía cạnh tinh thần, để các thầy cô giáo tương lai không phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ có như vậy chúng ta mới có những học sinh giỏi có mong mỏi và nhiệt huyết trở thành thầy cô giáo. Từ đó, chúng ta mới có một thế hệ đủ tự tin dẫn dắt các thế hệ công dân tương lai làm chủ và phát triển đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.