Nhiều bộ ngành,địa phương có số người đã kê khai đạt 100%; kết quả công khai đạt tỷ lệ 99,8%. Báo cáo cũng cho biết năm 2016 chỉ có 77 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Con số này được coi là thấp hơn rất nhiều so với năm 2015, khi có tới 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản trong tổng số hơn 1 triệu cán bộ, công chức phải kê khai. Tuy nhiên, mẫu số chung cho các con số này là chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.
Minh bạch tài sản, thu nhập hay nói cách khác là kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng ngừa tham nhũng đối với nhiều nước.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ hồi tháng 7 năm ngoái cũng cho biết qua 10 năm, trong hơn 5,5 triệu lượt cán bộ, công chức đã kê khai tài sản, xác minh được 4.859 trường hợp và phát hiện chỉ có 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), cho biết các trường hợp bị phát hiện nêu trên chỉ bị xử lý về việc kê khai không trung thực, chưa có ai bị xử lý về hành vi tham nhũng. “Nếu như ở nước ngoài, khi quan chức bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực thì họ buộc phải giải trình về nguồn gốc tài sản đó, nếu không giải trình hợp lý, tài sản đó được coi là bất minh và người đó có thể bị kết tội làm giàu bất chính. Trong khi đó ở ta, luật quy định chỉ xử lý về hành vi kê khai không trung thực”, ông Minh nói. Ông cũng cho biết, hầu hết việc kê khai tài sản phụ thuộc vào tính tự giác của người kê khai, còn kê khai như thế nào, mức độ chính xác ra sao thì không kiểm soát được. Cũng theo quy định của luật hiện hành, các bản khai này chủ yếu được lưu giữ tại các cơ quan về tổ chức cán bộ.
Lý giải về 77 trường hợp phải xác minh tài sản thu nhập năm 2016, Thanh tra Chính phủ cho biết, đây chủ yếu là các trường hợp phục vụ cho công tác cán bộ, một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do dư luận, phản ánh của nhân dân và báo chí.
Những con số về kê khai tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ tổng hợp từ các bộ, ngành địa phương qua nhiều năm đều là con số “đẹp”, tuy nhiên khó có thể chấp nhận điều đó khi trong những tháng đầu năm nay, hàng loạt quan chức ở một tỉnh nghèo (phải xin trợ cấp gạo từ T.Ư hằng năm) có những “biệt phủ” lộng lẫy, xa hoa. Hay hàng loạt trường hợp quan chức ở Bộ Công thương, Đồng Nai bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận kê khai tài sản không trung thực, dù những biểu hiện này đã được báo chí phản ánh từ nhiều năm trước.
Chưa biết được cả triệu bản kê khai tài sản, thu nhập “nằm” trong hộc tủ kia còn bao nhiêu cán bộ chưa bị "lộ".
Bình luận (0)