Khi chiếc két sắt bị đe dọa

01/09/2016 05:11 GMT+7

Gửi tiền ở ngân hàng và mua vàng là 2 kênh tiết kiệm truyền thống và được hầu hết người dân coi là an toàn nhất.

Thế nhưng, lỗ hổng bảo mật của hệ thống nhà băng và sự bát nháo của thị trường vàng đang khiến cho những "két sắt" tưởng chắc chắn này giờ đây bỗng trở nên rủi ro.
Trước nay, chuyện ăn cắp tuổi, trọng lượng vàng được coi là chuyện đương nhiên trên thị trường vàng nữ trang. Đến mức, luật bất thành văn là phải mua đâu bán đó chứ mang nhẫn, vòng, bông tai từ tiệm này sang tiệm khác bán thì cầm chắc giá rẻ như cho. Thậm chí, nhiều tiệm còn thẳng thừng từ chối, không mua lại.
Thế nhưng câu chuyện một khách hàng mua chiếc kiềng 7 chỉ vàng ở Bảo Tín Minh Châu nhưng 3 tháng sau đến bán lại chỉ còn 6 chỉ, dù giấy chứng nhận mua bán vẫn còn nguyên, thực sự cho thấy sự rủi ro khôn lường của thị trường này. Thứ nhất, Bảo Tín Minh Châu là một thương hiệu lớn và lâu đời ở Hà Nội. Ngay đến cả một doanh nghiệp uy tín như vậy còn "nhầm lẫn" bớt đứt 1 chỉ vàng của người mua thì hàng ngàn tiệm vàng nhỏ khác ai dám tin là sẽ cân đúng, tính đủ cho khách hàng?
Thứ hai, đặt trường hợp người mua vì lý do gì đó bị mất giấy chứng nhận mua bán thì họ cầm chắc bị mất 1 chỉ vàng một cách oan uổng. Người Việt có thói quen mua vàng để tích trữ, phòng thân. Có lẽ sau câu chuyện này hàng ngàn, hàng triệu người cũng giật mình muốn mang vàng trong tủ ra cân lại. Bởi khi đi mua, có mấy ai bắt chủ tiệm vàng cân kiểm chứng 1 chỉ, 2 chỉ hay 3 chỉ... Tiệm đưa thế nào, người mua nhận thế đó.
Tương tự như chuyện tiền trong tài khoản bỗng dưng bốc hơi. Từ số tiền vài triệu, vài chục triệu cho đến vài tỉ, vài chục tỉ; từ nguyên nhân chủ tài khoản làm lộ thông tin cho đến sơ hở trong quy trình bảo mật của ngân hàng... cách này, cách kia nhưng tiền trong nhà băng bị mất luôn luôn là chuyện lớn.
Tất nhiên, phải khẳng định, không có hệ thống bảo mật nào là an toàn tuyệt đối. Ngân hàng ở Mỹ, ở châu Âu hay ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vẫn tồn tại các rủi ro. Thế nhưng, cái khiến người dân hoang mang nhất chính là cách hành xử của các ngân hàng khi xảy ra sự cố: hầu hết là tìm cách đổ lỗi cho chủ tài khoản, xử lý chậm chạp, thậm chí là mặc kệ. Hãy hình dung một ngày đẹp trời, tiền trong tài khoản của bạn không cánh mà bay, bạn sẽ ngay lập tức cầu cứu ngân hàng.
Ai đúng - ai sai hạ hồi phân giải nhưng tại thời điểm đó, thái độ tiếp nhận, sự nhiệt tình, cách ứng xử văn minh sẽ trấn an bạn, khiến bạn an tâm và cảm thấy được bảo vệ. Các cụ nói: "đồng tiền đi liền khúc ruột", chúng ta chỉ có thể giao phó tiền của mình ở địa chỉ mà chúng ta thực sự tin tưởng. Nếu ngân hàng nào không thấm nhuần và hoạt động trên tôn chỉ này thì làm sao tạo được niềm tin để người dân mang tiền trong tủ nhà mình gửi vào?
Cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động trên thị trường vàng cũng như hệ thống ngân hàng. Khi chiếc két đựng tiền của người dân bị tấn công thì ngay lập tức các đơn vị này phải vào cuộc, phải bít các lỗ hổng để đảm bảo, tiền - vàng của người dân được bảo vệ an toàn nhất. Có thế mới huy động được vốn trong dân vào sản xuất, thúc đẩy và phát triển kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.