Không nên cả nể

16/02/2017 08:41 GMT+7

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu với Bộ VH-TT-DL ngày 14.2, Chánh thanh tra bộ này, ông Vũ Xuân Thành, đã nói rằng: "Thanh tra Bộ mà lập biên bản với phó chủ tịch tỉnh thì khó lắm!". Ông chánh thanh tra thành thực kể chuyện đoàn xuống làm việc tại tỉnh Yên Bái, nơi có lễ hội được cho là phản cảm, biến tướng.
Trước đó, báo chí đã nêu đích danh lễ hội chọi trâu tại H.Lục Yên của tỉnh này không hề được cấp phép song vẫn được tổ chức hoành tráng đi kèm màn bán thịt trâu chọi đầy phản cảm ngay trong khuôn viên thư viện.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình như ông Chánh thanh tra bộ ngoài sự nể nang thì còn có cả sự nhầm lẫn trong việc xác định vị trí của mình khi tham gia công vụ. Khi xuống địa phương để kiểm tra một hoạt động văn hóa đang bị biến tướng, trục lợi thì ông đang mang trong mình trọng trách được pháp luật, nhân dân giao cho để lập lại trật tự trong một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội. "Hơn nữa, việc lập biên bản, xử phạt, theo luật Xử phạt vi phạm hành chính là thực hiện đối với các hành vi sai trái trong hoạt động lễ hội chứ đâu phải là xử phạt hành vi của ông phó chủ tịch tỉnh kiêm trưởng ban tổ chức", ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Quyền cho rằng, lẽ ra, thanh tra cần kiên quyết lập biên bản xử lý, cùng với ông trưởng ban tổ chức có biện pháp để ngăn chặn những hoạt động phản cảm, sai trái nhằm giữ cho lễ hội được trong sáng, đúng thuần phong mỹ tục và văn hóa bản địa chứ không phải cả nể. Thực tế, câu chuyện lợi ích nhóm trong hoạt động lễ hội cũng đã được Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra. Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ còn nhắn nhủ rằng, một khi cơ quan quản lý ngành là Bộ VH-TT-DL cảm thấy ngần ngại, khó xử trong vấn đề này thì cứ nói ra để Thủ tướng lên tiếng thay.
Nhìn rộng ra, vì lợi ích đan xen mà người ta "nể nang" nhau không còn là chuyện hiếm trong xã hội. Đã đến lúc cần giảm mạnh tình trạng ngó lơ, bỏ qua cho nhau vì sợ đụng chạm, vì ngại ngần trong những tương tác lợi ích có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.