Lãng phí lớn vì thiếu đồng bộ

15/08/2016 05:16 GMT+7

Hiện có tới khoảng trên 60% các công trình, dự án ở trong tình trạng đầu tư dở dang, kiểu dạng na ná như chuyện ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nhà máy xây xong nhưng không có nguyên liệu...

“Không hiểu mấy ông phối hợp kiểu gì” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong không hiểu thì làm sao dân hiểu, tại sao Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng xây sắp xong nhưng vẫn nằm cô lập giữa đồng, và khả năng sẽ còn phải rất lâu nữa mới có thể có hạ tầng kết nối (Xây bệnh viện quên làm đường vào - Thanh Niên ngày 14.8).
Sự thực thì có vô số các bằng chứng cho thấy, tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ như vậy không phải cá biệt, thậm chí còn khá phổ biến. Câu chuyện cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), vốn đầu tư 40.000 tỉ cũng do đầu tư thiếu đồng bộ, cắt khúc dự án, phân kỳ không hợp lý dẫn đến mới sử dụng được khoảng 20% công suất, gây lãng phí lớn. Hay như làng sinh viên ở Lâm Đồng, đầu tư hàng nghìn tỉ mà chỉ có 1 sinh viên ở, đường sắt du lịch Quảng Ninh cũng đầu tư 1.000 tỉ đồng, chỉ bán được 1 vé du lịch/ngày. Còn chuyện nhà thi đấu ở nhiều địa phương, đầu tư từ vài trăm đến cả nghìn tỉ đồng mà mỗi năm chỉ dùng được vài ngày không phải là hiếm.
Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư thiếu đồng bộ là một trong 5 nhận diện nguyên nhân gây lãng phí trong sử dụng nguồn vốn công tại VN; nó khiến cho hệ số suất đầu tư (ICOR) của ta luôn cao gấp đôi các nước trong khu vực. Do thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, dẫn tới tình trạng bộ, ngành, địa phương... phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước. Do thiếu đồng bộ nên quy hoạch trước “đá” quy hoạch sau, dự án sau đè lên dự án trước. Thế nên mới có chuyện các khu đô thị mới của Hà Nội đa phần ở tình trạng cốt nền thấp hơn hoặc cao hơn đô thị hiện hữu, tình trạng úng ngập gia tăng, hạ tầng giao thông không kết nối. Người ta quy hoạch các khu đô thị hàng chục ngàn dân nhưng không quy hoạch trường, chợ, đặc biệt là thiếu hệ thống điện và nước sạch.
Thống kê của Tổng hội Xây dựng VN cho thấy, hiện có tới khoảng trên 60% các công trình, dự án ở trong tình trạng đầu tư dở dang, kiểu dạng na ná như chuyện ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nhà máy xây xong nhưng không có nguyên liệu...
Về mặt nguyên tắc, để khắc phục tình trạng này không khó, cách đơn giản nhất là đầu tư công phải được triển khai một cách minh bạch và có tính cạnh tranh. Việc tổ chức, thực hiện và giám sát đầu tư công phải công bằng và công khai. Nhưng rủi thay, trách nhiệm của những người ra quyết định đầu tư công hiện nay lại không phụ thuộc vào tính minh bạch của các quyết định. Do vậy, việc giám sát quá trình thực hiện cũng như hiệu quả của các dự án này không được xem là một phần bắt buộc và thường là không có người chịu trách nhiệm.
Thế nên, người nộp thuế chỉ thấy cầu xây xong, đường dẫn thì chưa kịp giải phóng mặt bằng mà không biết tại sao nó lại như thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.