Mặt tối của đăng kiểm

12/07/2017 06:26 GMT+7

Câu chuyện đăng kiểm viên bị đình chỉ, kỷ luật, nhiều trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động vì tiêu cực xuất hiện đều đặn trên mặt báo. Đến mức khi đọc phóng sự Xe cũ nát lọt “lỗ kim” đăng kiểm trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc đã cảm thán chuyện “xưa như trái đất”, hay “cả xã hội đều biết”...
Vậy mà cớ gì khi mọi người dân đều biết mà chủ quản là Cục Đăng kiểm VN, hay cao hơn là Bộ GTVT vẫn để xảy ra tình trạng này?
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo của Cục Đăng kiểm VN cho biết để phòng ngừa đã thực hiện tất cả các biện pháp, dùng cả công nghệ online (kiểm soát trực tuyến) thanh tra đột xuất, thậm chí một Cục phó Cục Đăng kiểm còn là cán bộ công an chuyển sang chuyên trách, nhưng tiêu cực vẫn xảy ra. Vị lãnh đạo này còn cho rằng “làm gì có chỗ nào trong sạch như tờ giấy được, phải có cả quá trình, đây là lĩnh vực nhạy cảm nên càng có nhiều vấn đề”.
Đúng như lãnh đạo đăng kiểm thừa nhận, càng nhạy cảm càng dễ tiêu cực. Nhưng rõ ràng, sự lỏng lẻo trong quản lý, giám sát và thiếu cơ chế hậu kiểm của cơ quan cấp cao là Cục Đăng kiểm, thanh tra Cục đã biến các trung tâm đăng kiểm tại các địa phương thành mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, vì nhận tiền dễ quá. Chỉ cần sửa đổi số liệu trên hệ thống máy tính, ký khống chứng nhận cho một chiếc xe rách nát đã có 1 - 2 triệu đồng đút túi.
Trong năm 2016, đã có gần 50 đăng kiểm viên bị đình chỉ công tác do sai phạm trong kiểm định xe cơ giới sau những kỳ thanh tra đột xuất, định kỳ của Cục Đăng kiểm. Nhưng những gì báo chí phanh phui cho thấy con số này trong thực tế phải lớn hơn rất nhiều, bởi sai phạm đã thành hệ thống, có cả đường dây ăn chia từ “cò” đăng kiểm nhan nhản bên ngoài các trung tâm, nhân viên bảo vệ đến các đăng kiểm viên từng bộ phận. Cách thức nhận tiền chung chi cũng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn khi cò nhận lại và chia đều cho các đăng kiểm viên.
Đáng nói, tiêu cực trong đăng kiểm không chỉ là mặt tối của một lĩnh vực, mà đang để lại hệ lụy, liên đới tới nhiều lĩnh vực khác. Liệu Cục Đăng kiểm hay Bộ GTVT có trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu phần trăm những chiếc xe quá tải ngày đêm phá đường, bao nhiêu chiếc xe tải, xe ben cũ nát mất an toàn gây ra tai nạn, xả khói gây ô nhiễm... đã “lọt lưới” nhờ đăng kiểm viên tiêu cực? Những vụ tai nạn như thế khiến bao nhiêu con người khỏe mạnh phải mất mạng. Rồi những nỗ lực chống quá tải, giảm tai nạn giao thông của chính những cơ quan khác ngành giao thông, rất có thể trở thành công cốc chỉ vì tiêu cực trong đăng kiểm.
Sau phóng sự của Báo Thanh Niên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm đã cam kết sẽ xử lý kỷ luật nhiều đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, để triệt tận gốc tiêu cực cần cơ chế kiểm soát mang tính hệ thống, chứ không chỉ là chuyện “sai đâu sửa đấy”. Những cuộc thanh tra đột xuất, kiểm tra chéo, hậu kiểm thực hiện liên tục là cần thiết để ngăn chặn tiêu cực, nhưng nếu chỉ kỷ luật, tạm đình chỉ 1 - 2 tháng đăng kiểm viên thì dễ “nhờn”. Cần thực hiện những cơ chế cứng rắn hơn như đuổi việc, đóng cửa trung tâm nếu sai phạm, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, để thanh lọc lại hệ thống đăng kiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.