Một bức tranh “u ám” được các đại biểu nêu lên tại hội nghị chuyên đề Thực trạng lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm - kiến nghị công tác quản lý nhà nước và giải pháp cho thực phẩm an toàn, do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức ngày 15.7.
Phát biểu tại đây, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã khái quát toàn cảnh hóa chất độc hại tấn công người dân hiện nay như: melamine trong sữa; bột bắp rang cháy pha với cà phê; DEHP dùng làm chất tạo đục; kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm (clenbuterol, salbutamol, ractopamine), thuốc tăng trọng gấp đôi so với bình thường và tạo thịt siêu nạc; sử dụng phẩm màu cấm để tạo sự bắt mắt, hấp dẫn; hóa chất kích thích tăng trưởng giá đỗ; tinopal trong bún tươi...
tin liên quan
Tiếp tay cho thực phẩm bẩn là tội ácRất nhiều bạn đọc bức xúc về cách làm của Viện Y tế công cộng TP.HCM, được phản ánh qua bài Thực phẩm nhập khẩu không đạt chất lượng vẫn được “tuồn” ra bán trên Thanh Niên ngày 18.6.
Để minh chứng cho thực phẩm bẩn tràn lan tấn công người dân, một đại biểu là bà Phạm Thị Huân (Công ty TNHH Ba Huân), cho rằng VN như “bãi rác thực phẩm” của nước ngoài, dân phải mua ăn những sản phẩm ôi, thiu. Nhiều bếp ăn tập thể mua hàng (gà) nhập hết hạn sử dụng để bán cho công nhân. Theo bà Huân, phải quản lý chặt thức ăn ở các khu công nghiệp để cứu lấy những công nhân, người lao động, cứu giống nòi.
“Sáng thức dậy bước ra ngõ, con chúng ta ăn hủ tiếu, thực phẩm mà những thực phẩm này có chứa hóa chất mua ở chợ Kim Biên. Hoan nghênh TP dẹp bỏ chợ hóa chất Kim Biên và khi xây dựng trung tâm kinh doanh hóa chất mới, Hội Lương thực thực phẩm TP sẽ có bộ phận chuyên hướng dẫn giúp người dân dùng hóa chất trong chế biến thực phẩm, mua nguyên liệu có nguồn gốc. Nếu đề án của TP làm nhanh chóng sẽ giảm thực phẩm bẩn”, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP nói.
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng có 3 vấn đề lớn cần giải quyết về an toàn thực phẩm (ATTP) trong nước hiện nay là: Nhiều hóa chất, hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc và có thể gây nguy hiểm nhưng được nhập lậu liên tục với lượng lớn qua biên giới; tình trạng mua bán phụ gia thực phẩm tràn lan; nhiều nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, vì lợi nhuận đã lạm dụng những hóa chất độc hại để tạo ra những mặt hàng gian dối, gây hại cho người tiêu dùng. Theo GS-TS Sơn, thực tế việc hậu kiểm sau cấp giấy đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở gần như không có. Bên cạnh đó, hệ thống xét nghiệm trong nước dù đã được đầu tư thiết bị phân tích hiện đại, phát hiện được khoảng 300 chất, nhưng nhược điểm là chủ yếu phân tích chất nhắm vào, chứ không phân tích được tất cả các chất hiện diện trong mẫu, không dự đoán trước được. “Việc thành lập trung tâm quản lý ATTP là cần thiết, trong đó đầu tư một hệ thống xét nghiệm hiện đại, có nhân lực đủ trình độ, chủ yếu để xét nghiệm phục vụ cho quản lý nhà nước; tăng cường lấy mẫu kiểm tra, quản lý thức ăn…”, GS-TS Sơn nói.
tin liên quan
Chủ động chống độc, bảo vệ gan trước 'vòng vây' thực phẩm bẩnCác yếu tố độc hại từ thực phẩm 'bẩn' tấn công gan, trực tiếp hoặc gián tiếp kích hoạt tế bào Kupffer hoạt động quá mức, phóng thích các chất gây viêm phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: TP đã đề xuất T.Ư cho phép thành lập cơ quan quản lý ATTP.
Rõ ràng, đang có những chuyển động tích cực để từng bước cứu lấy giống nòi trước nguy cơ thực phẩm bẩn.
Bình luận (0)