Ngược xu hướng

17/03/2017 05:59 GMT+7

Đó là nói về chiến lược phát triển điện của VN, khi điện than - nguồn điện gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đang bị các nước phát triển dần loại bỏ - tỷ lệ vẫn tăng trong quy hoạch điện của chúng ta.

Đầu tiên là ngược với xu hướng của thế giới. Năm ngoái, Pháp, Canada, Anh đã tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn nhà máy than. Cuối tháng 1 vừa rồi, Ủy ban Quốc gia về năng lượng của Trung Quốc cũng đã quyết định ngưng 85 dự án điện than khắp 13 tỉnh trên cả nước. Đó là chưa tính đến 18 nhà máy đã được quyết định ngừng xây dựng vào cuối năm ngoái với tổng công suất của 103 nhà máy này là 103.120 GWh.
Nguyên nhân là do ô nhiễm. Theo các số liệu của Cơ quan Nghiên cứu sáng kiến Carbon Tracker (Anh), Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào nhiệt điện đốt than nên nước này chịu trách nhiệm về gần 50% lượng khí thải toàn cầu. Thế nhưng, theo Quy hoạch điện VII - có điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than sẽ chiếm 49,3% lượng điện sản xuất, năm 2025 chiếm 55% điện sản xuất. Xin đừng nói rằng cứ xử lý nghiêm túc chất độc hại thì “không vấn đề gì”. Ngay tại Mỹ, nước có trình độ khoa học - kỹ thuật hàng đầu và các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với tình trạng gây ô nhiễm, nhiệt điện than vẫn đang gây ra khá nhiều hệ lụy.
Thứ hai là ngược với quan điểm không hy sinh môi trường mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định. Đây không chỉ là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết mà còn rất thực tiễn. Xét về kinh tế, những hệ lụy mà điện than gây ra lớn hơn nhiều so với lợi ích mang lại. Chẳng nói đâu xa, vụ ô nhiễm do Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) khiến người dân phải đổ ra QL1 chặn xe để phản đối, gây ùn tắc giao thông kéo dài ở Bình Thuận cách đây gần 2 năm là minh chứng rõ nhất cho xung đột giữa nhiệt điện than và sức khỏe, cuộc sống con người. Nếu Bộ Công thương vẫn cho rằng “phát triển nhiệt điện than là tất yếu” thì vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân có lẽ mới chỉ là mở màn cho rất nhiều hệ lụy sau này.
Thứ ba, để phát triển nhiệt điện than, chúng ta sẽ phải nhập khẩu than, ảnh hưởng đến cán cân thương mại vốn đã bị thâm hụt nặng do nhiều năm nay, chúng ta chủ yếu nhập siêu.
Vậy nhiệt điện than có nhất thiết phải là “tất yếu”? Xin thưa không. Nếu lấy quy hoạch để biện minh thì phải nói rõ rằng, quy hoạch không hề có lỗi. Quy hoạch là để chúng ta có định hướng nhưng nếu cần thiết, quy hoạch cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Thực tế hiện nay là điện than đang được các nước loại bỏ dần, thực tế hiện nay Chính phủ đang kiên quyết bảo vệ môi trường thì quy hoạch ngành điện cũng phải “cập nhật” để không đi ngược với lợi ích kinh tế của đất nước và sức khỏe người dân.
Nếu giảm dần điện than, chúng ta có gì để thay thế? Chắc chắn có. Trước tiên, siết chặt đầu tư vào các ngành tiêu hao năng lượng để giảm lượng điện sử dụng. Đặc biệt, ngưng ngay chuyện ưu đãi giá điện cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu người dân phải trả trung bình 1.700 đồng/kWh thì doanh nghiệp FDI chỉ phải trả từ 900 - 1.400 đồng/kWh.
Số liệu tính toán cho thấy, một năm khối sản xuất FDI tiêu thụ hết 40 tỉ kWh, tương ứng với số tiền mà ngành điện “biếu không” khối này lên tới cả tỉ USD. Nếu bỏ ưu đãi này, những doanh nghiệp ngoại vào VN để tận dụng nguồn năng lượng rẻ sẽ bị loại dần. Vừa tiết kiệm điện, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra môi trường bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp. Cuối cùng, có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo. Khó khăn, lợi thế, vướng mắc của các nguồn năng lượng sạch này như thế nào đã được phân tích rất cụ thể...
Vấn đề là chúng ta có muốn đi cùng xu hướng phát triển xanh của thế giới hay không mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.