90 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành quả bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển con người Việt Nam.
Qua các giai đoạn, với hoàn cảnh khác nhau, công việc và phương thức khác nhau, nhưng thống nhất xuyên suốt là báo chí luôn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu xây dựng một đất nước “dân chủ và giàu mạnh”, tham gia xây dựng một Đảng phục vụ nhân dân, Nhà nước của dân trong sạch và vững mạnh. Đó là mục tiêu xuyên suốt đã qua và tiếp đến.
Trong công cuộc phát triển báo chí, với những điều kiện khác nhau, khó khăn và sáng tạo, cầm bút và cầm súng, hiểm nguy và anh dũng, bản lĩnh và trách nhiệm…, chúng ta đã có những thế hệ làm báo mẫu mực và tài ba, để lại nhiều tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp sau noi theo. Chúng ta tự hào về sự nghiệp báo chí cách mạng, về những người làm báo chân chính, trung với nước, hiếu với dân, có những người đã ngã xuống giữa trận địa, vượt qua gian khổ thử thách trong hòa bình không kém phần phức tạp. Đất nước và nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú ấy.
Mặt khác, bên cạnh đó, rất tiếc là một bộ phận báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu trách nhiệm xã hội, giảm sút tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp, yếu kém về trình độ và tính chuyên nghiệp, đã làm giảm hiệu quả xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo, nghề chuyển tải thông tin để phục vụ nhân dân và tham gia khai hóa văn minh, xây nền tảng văn hóa.
Cần phấn đấu để nền báo chí nước nhà ngày càng trưởng thành, hiện đại, nâng cao các giá trị nhân văn, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp ngày càng xứng đáng hơn cho sự phát triển của dân tộc VN, cho Tổ quốc vững bền và cường thịnh, cho một xã hội tương lai thật sự tốt đẹp mà chúng ta luôn mong muốn phấn đấu và gọi tên là xã hội XHCN.
Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại quan niệm về vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vùng cấm, thường là né tránh, không viết, không nói, kể cả không nghiên cứu, sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm… không phải bỗng nhiên mọi người lại sợ như vậy mà do thực tế nó cũng có vậy.
Trong đời sống xã hội, những vấn đề “nhạy cảm” thường là những vấn đề không bình thường, nó phức tạp hơn, và thường là bức xúc. Đó chính là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời. Nếu trả lời đúng, thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện thiếu năng lực, dũng khí. Mặt khác, giống như khi xác định những điểm trọng yếu và nóng bỏng của chiến trường thì lại rút quân ra khỏi khu vực đó, bàn giao cho đối phương; còn ta, do rời xa mặt trận nên năng lực chiến đấu ngày càng kém đi, cũng tức là chọn con đường rút lui, chịu thua. Đáng lẽ xác định vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết, chứ không phải để tránh xa ra. Cuộc sống cần chúng ta là cần như vậy. Tất nhiên việc xông vào ấy không phải chỉ có dũng khí, mà còn cần có trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một “hậu phương” vững mạnh nữa.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, nước ta, 30 năm công nghiệp hóa chưa thành công, có nhiều mặt tụt hậu xa hơn. Năng suất lao động và hiệu quả đầu tư quá thấp, mất mát lãng phí nhiều. Thu nhập đầu người của VN còn rất thấp. Khi kết thúc cơ cấu dân số vàng, thu nhập đầu người của Hàn Quốc là 20.000 USD, Nhật Bản là 30.000 USD. Còn VN, theo dự báo cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2025, sau đó là giai đoạn dân số già, và lúc ấy thu nhập đầu người của VN chỉ khoảng 3.000 USD (giá 2005). Nói cách khác, trong khi họ còn trẻ đã giàu, còn VN già rồi vẫn còn nghèo. Đã già mà vẫn còn nghèo thì coi chừng là nghèo cả đời, không ngóc lên được. Trước khi đổi mới, thu nhập đầu người của Trung Quốc bằng 1,3 lần so với VN, đến nay trên 3,5 lần, tiềm lực kinh tế Trung Quốc mạnh lên gấp bội, từ đó, họ thấy đã đến lúc đủ sức độc chiếm Biển Đông. Những yếu kém và tụt hậu như vậy không thể né tránh, mà phải chỉ rõ và tìm nguyên nhân, từ đó xác định giải pháp để vượt lên. Phải đổi mới một cách căn bản mới giải quyết được tình hình tụt hậu hiện nay, mới chống được tham nhũng, lợi ích nhóm, vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình thấp và tránh nguy cơ chệch hướng sang “CNTB thân hữu”. Báo chí cách mạng không thể đứng ngoài câu chuyện này.
Bình luận (0)