Thấp thỏm vì... đổi mới

14/09/2016 03:50 GMT+7

Nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ học sinh lớp 12 quan tâm gì nhất, có lẽ hầu hết câu trả lời không phải làm sao để học tốt, chọn ngành gì để thi tuyển mà là phương án đổi mới thi Bộ GD-ĐT mới công bố.

Phụ huynh đã quá nhọc nhằn với nỗi lo cơm áo, gạo tiền và chuyện học hành của con cái, nay lại bất an trước những thay đổi này. Nỗi lo càng tăng bội phần khi chính giáo viên cũng hoang mang không biết sẽ phải dạy học sinh (HS) như thế nào đây để đáp ứng thi kiểu mới. Giới lãnh đạo từ trường THPT đến ĐH người thì lo âu không biết làm sao để HS đạt kết quả tốt nếu đổi mới thi, người thắc mắc liệu kết quả thi nếu giao về địa phương có đáng tin cậy và một bài thi tổ hợp như phương án của Bộ có phân loại được HS? Trong khi đó, các chuyên gia hàng đầu môn toán từ trong đến ngoài nước tranh luận quyết liệt nên hay không thi trắc nghiệm môn toán, ít nhất là ngay trong năm nay?
Đổi mới là điều đương nhiên và đó cũng là quá trình luôn có những quan điểm trái chiều. Trong giáo dục, điều này càng rõ hơn vì bất kỳ sự thay đổi nào cũng ảnh hưởng đến từng gia đình. Các nước trên thế giới cũng vậy, những thay đổi chính sách trong giáo dục luôn có phản ứng trái ngược. Tuy nhiên, điều quan trọng là phần lớn họ có kế hoạch, nghiên cứu và lộ trình rõ ràng, không phải “đùng một cái” là thay đổi như cách mà chúng ta thường làm.
Lãnh đạo của Bộ GD-ĐT khẳng định không phải năm nào cũng thay đổi hoàn toàn mà năm sau hoàn thiện phương án thi năm trước. “Hoàn thiện” hay “đổi mới” khi trước năm 2015, năm bắt đầu thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh chưa biết năm 2017 sẽ thi môn toán bằng hình thức trắc nghiệm cũng như rất lờ mờ về bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội vì ở phổ thông HS vẫn học từng môn riêng lẻ? Bộ cũng cho rằng đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài nhưng tại sao xã hội không biết? Nếu đã có khảo sát hay hội thảo lấy ý kiến tại sao giới chuyên môn toán lại phản ứng mạnh mẽ và trái chiều trước phương án thi của Bộ?
Năm 2015, khi các trường công bố các tổ hợp môn xét tuyển mới, Bộ đề nghị nếu có thay đổi phải công bố cho thí sinh trước ít nhất 3 năm. Chẳng lẽ bây giờ Bộ lại vi phạm quy định này? Cũng trong năm đó, khi chuẩn bị chuyển qua thi “2 trong 1”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ là ông Phạm Vũ Luận nói như đinh đóng cột quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi được hoàn chỉnh sẽ được giữ ổn định đến năm 2021. Lẽ nào giờ lãnh đạo các cấp của Bộ chẳng còn ai quan tâm đến kế hoạch này?
Bộ GD-ĐT có thể quên nhưng người dân vẫn nhớ, vì vậy hãy đừng tước mất niềm tin của họ.
Giáo dục VN còn quá nhiều điều để thay đổi nhưng suốt nhiều năm nay cứ xoay quanh chuyện thi cử, tuyển sinh mà loay hoay mãi vẫn không biết đi đến đâu. Đến mức xã hội hiện nay khi nghĩ về giáo dục dường như quên mất chuyện quan trọng nhất là dạy và học mà chỉ có chuyện thi. Chính vì vậy mà nhiều người đề xuất, hãy đổi tên bộ này thành “bộ tuyển sinh”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.