Tinh giản bộ máy

16/11/2016 06:42 GMT+7

Tinh giản biên chế, cải cách hành chính và cải tổ bộ máy là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trong nhóm vấn đề về nội vụ sẽ được chất vấn tại Quốc hội chiều nay.

Tiền đâu để tăng lương là một câu hỏi cực kỳ bế tắc, trong bối cảnh bộ máy hành chính ngày một “phình” to, ngân sách khó khăn hiện nay. Điều này đặt chúng ta vào tình huống: một là: ôm nhau sống lay lắt và nền hành chính công vụ mãi ì ạch, cản trở sự phát triển; hai là: có một sự cải tổ mạnh mẽ để những người làm việc hiệu quả phát huy năng lực, tạo động lực cho sự tăng trưởng, phát triển và được trả lương xứng đáng.
Rõ ràng, tình thế hiện nay không cho phép chúng ta chọn phương án thứ nhất. Thế nhưng, việc thực hiện đề án tinh giản biên chế, theo như nhận xét đầy lo lắng của Thủ tướng, thì sau hàng chục năm tiến hành, biên chế lại ngày càng “phình” to (trong giai đoạn 2010 - 2015, biên chế không những không giảm mà còn tăng 680.000 người).
Chưa rõ, câu hỏi nào sẽ được các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cũng như các vị đứng đầu ngành xung quanh vấn đề này. Nhưng cần phải nghiêm túc thừa nhận rằng, chúng ta thực hiện chưa đến nơi đến chốn việc tinh giản biên chế. Thực chất, thời gian qua, việc tinh giản chủ yếu rơi vào những người mất sức, không thể bố trí được việc, giải quyết chế độ... chứ rất ít người bị tinh giản vì năng lực kém.
Chi cho một bộ máy mà năng lực làm việc yếu phải được xem là sự lãng phí to lớn, thậm chí còn nguy hiểm hơn lãng phí trong đầu tư công vốn đang bị lên án hiện nay, vì nó tạo ra một xã hội chây ì, lười biếng, kéo lùi sự phát triển.
Tinh giản biên chế rất quan trọng, nhưng sẽ không mấy hiệu quả (như từng thấy) nếu không gắn với cải tổ bộ máy, đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tuyển dụng. Đặc biệt, trong đó phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế cho thấy đây là điểm khó nhất. Dù biện pháp có hay và phù hợp đến đâu, nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh, tâm huyết, không triệt để thì không thể nào tinh giản được biên chế. Nếu kế hoạch tinh giản biên chế được phê duyệt không gắn liền với việc xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu thì kết quả khó biết sẽ đi về đâu.
Trong điều kiện chúng ta tiến hành cải cách hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính chuyển từ quản lý thuần túy sang phục vụ, làm hài lòng người dân, theo xu hướng: “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, Chính phủ hoạt động chuyên nghiệp, năng động, có tính thích ứng cao thì việc thực hiện tinh giản biên chế trở thành một vấn đề sống còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.