Tội đồ hay cứu tinh ?

23/04/2017 09:13 GMT+7

Một cuộc tranh luận nảy lửa giữa một bên “kết tội” xe gắn máy là thủ phạm và một bên coi phương tiện này là cứu tinh cho tình trạng ùn tắc ngày một tăng ở các đô thị lớn tại VN vẫn đang tiếp tục sau cuộc hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM” tổ chức vừa qua.
Rất khó để nói đúng sai trong cuộc tranh luận này. Bởi nói xe gắn máy là tội đồ, cũng không oan. Điều này đã được chứng minh rất cụ thể. Với số lượng gần 8 triệu xe gắn máy tại TP.HCM, chưa kể xe ở ngoại tỉnh đổ vào, diện tích mặt đường phải tăng gấp 3 - 4 lần hiện nay mới đủ sức chứa hết. Đường ít, xe nhiều, kẹt là tất yếu. Nếu nhìn ở góc độ này, sẽ phải loại xe gắn máy ra khỏi hệ thống phương tiện giao thông. Câu hỏi đặt ra là, loại xe máy rồi, người dân sẽ đi bằng cái gì khi tại TP.HCM phương tiện công cộng mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ? Nên nhớ, xe gắn máy chiếm trên 80% trong tổng lượng phương tiện và cũng là phương tiện của gần như tất cả sinh viên, người nghèo, người lao động... Nhà của họ hầu hết ở trong ngõ, ngách, các khu lưu trú cách xa trung tâm, cách xa trường học, cách xa các dịch vụ công cộng thiết yếu... nên xe máy là phương tiện tối ưu nhất trong cuộc sống của họ.
Còn coi xe gắn máy là “cứu tinh”, thực tế cũng chẳng sai. Với đặc thù đường nhỏ, ngõ nhiều, sử dụng xe máy ở TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn trên cả nước nói chung là dễ dàng, linh hoạt nhất, tiện dụng nhất. Đừng nói vì chúng ta nghèo, buộc phải đi xe máy. Rất nhiều gia đình khá giả, có ô tô tại TP.HCM, Hà Nội cũng chỉ sử dụng khi đi xa. Còn di chuyển trong nội thành, xe máy vẫn là lựa chọn số 1. Nhưng nếu nhìn ở góc độ này, không lẽ chúng ta tiếp tục để xe máy phát triển nóng? Hiện TP.HCM có số lượng xe máy nhiều nhất thế giới. Nếu cứ đà này, đến lúc chúng ta không thể di chuyển nổi chứ đừng nói đến ùn tắc. Và cũng có thể, TP.HCM, Hà Nội sẽ trở thành những đô thị cuối cùng vẫn còn đi xe máy trong khu vực.
Nói thế để thấy, việc kẹt xe có rất nhiều nguyên nhân, không thể đổ lỗi cho một mình xe gắn máy. Chẳng nói đâu xa, hôm qua là ngày đầu tiên một loạt đường tại Q.1 (TP.HCM) được điều chỉnh giao thông để làm ga ngầm metro khiến người đi đường lúng túng. Thế là người thì quay xe lại tìm đường khác, người thì cố len lỏi, người thì chèn sang làn đường không phải của mình khiến giao thông bị rối loạn. Trong trường hợp này, kẹt là do ý thức của người điều khiển phương tiện chứ đâu phải của xe máy hay ô tô? Rồi những cao ốc nén vào trung tâm, đưa hàng chục, hàng trăm ngàn con người dồn vào trong khi quy hoạch điện, đường, trường, trạm trước đó không hề tính đến các dự án này. Vậy lỗi do quy hoạch thiếu tính dự báo hoặc cấp phép sai chứ? Rồi lô cốt mọc lên khắp nơi, kéo dài tháng này qua năm khác, chiếm dụng mặt đường vốn đã nhỏ hẹp, chật chội... lỗi này là do “ông” giao thông, “ông” điện, “ông” bưu chính hay “ông” xây dựng đào đường, sao quàng lên cho xe cá nhân được? Như vậy, muốn chống kẹt xe, đòi hỏi đồng bộ các giải pháp chứ không chỉ chăm chăm vào việc hạn chế xe cá nhân.
Thật ra, nếu xe buýt, metro... tiện lợi, người dân chắc chắn cũng chẳng muốn đội nắng, đội mưa đi xe gắn máy trong không khí ngày càng ô nhiễm và rủi ro như hiện nay. Vì vậy, hãy xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, năng động, tiện lợi song song với việc xây dựng lộ trình phù hợp, khoa học để hạn chế và tiến tới loại bỏ xe gắn máy ra khỏi hệ thống giao thông tại TP.HCM, Hà Nội mà không gây xáo trộn quá lớn cho đời sống người dân, xã hội.
Đây cũng là xu hướng phát triển của các đô thị lớn trên thế giới mà VN cũng không ngoại lệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.