Trọng trách

25/04/2006 00:44 GMT+7

Suốt một tuần, tôi được cùng ngồi trên hội trường, trong các phòng họp với các đại biểu khác, nghe và nói về những vấn đề của nội dung Đại hội. Phải nói rằng nếu chỉ căn cứ vào các tham luận trên hội trường thì chưa cảm nhận được bao nhiêu "sức nóng" của các ý kiến, các đề xuất.

Các cuộc thảo luận ở tổ rất thẳng thắn, không né tránh mọi vấn đề "khó nói". Rất nhiều ý kiến quyết liệt, xoáy vào các vấn đề cấp bách nhất. Thống nhất cao với các đánh giá về thành tựu đã đạt được, nhưng điểm chung ở số đông đại biểu vẫn là chưa vừa lòng với chính mình, với những gì tổ chức Đảng đã làm được. Có vẻ như mọi cái khác trước nhiều, nhiều điều đã làm được, nhưng vẫn có gì trong mỗi đại biểu giống như sự trăn trở về một đột phá chưa kịp diễn ra trong tư duy, trong công việc của mỗi người, và của tất cả, mặc dù ý thức về trách nhiệm phải góp phần vào đột phá đã chín trong tâm can.

Sáng 24/4, việc công bố kết quả bầu cử BCH T.Ư mới diễn ra trong sự điềm đạm, chính xác, tỉ mỉ của Trưởng ban Kiểm phiếu, xen với phong cách điều hành dí dỏm, sảng khoái của đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Có tên trong tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội cũng có nghĩa là sẽ đảm đương các chức trách Đảng, Nhà nước, đoàn thể lớn. Có niềm vui, nhưng là niềm vui điềm tĩnh, và tôi đọc ở đó, sau niềm vui, có nỗi âu lo rất sớm về trách nhiệm.

Với những ai nặng lòng với việc nước, đây là điều dễ hiểu. Đã đành chức trách Ủy viên T.Ư xưa nay đều là trách nhiệm nặng nề. Nhưng riêng với khóa này, vẫn có cái gì đó khác hẳn. Nhiệm vụ của BCH khóa X không chỉ đơn giản là "tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới", mà là hai cái đích đã định danh, định lượng rõ ràng. Họ có 5 năm để đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy toàn xã hội quyết đạt được hai kết quả: Thứ nhất - Chặn đứng sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ của hệ thống - suy thoái cả về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức. Để làm được điều này, trước hết họ phải giữ được mình. Giữ mình luôn khó với tất cả - với tôi, với anh, với chị, nhất là trong lúc này. Nhưng với họ, những người sẽ có quyền lực và vị trí cao, còn muôn lần khó hơn. Tiếp nữa, cần phải tuyên chiến và phải thực sự chiến đấu với tất cả những hư hỏng, chặn đứng, đẩy lùi những hư hỏng ấy, trước khi hư hỏng có thể cô quánh lại thành lực lượng, thành thế lực phổ biến, đẩy thể chế đến hiểm họa; Nhiệm vụ thứ hai là sau 5 năm, Việt Nam phải không còn trong danh sách các nước kém phát triển.

Năm năm cho hai việc lớn ấy - ngắn hay dài?

Các ủy viên T.Ư mới, cũng như chúng ta, là những con người. Cũng có niềm vui thành đạt. Thành đạt trong công việc nghiệp vụ, trong làm ăn... là kết quả mà ta có thể rộn ràng thu nhận. Trong cơ chế cởi mở hơn của hôm nay, ngày càng có nhiều người bình thường có điều kiện có được những thành đạt ấy cho riêng mình, nếu nó không mâu thuẫn với sự thành đạt chung của toàn xã hội. Nhân dân không khắt khe với những gì mà những người lãnh đạo - cũng như mọi người - là những người cha, người mẹ phải lo cho con cái, cho cả gia đình - có quyền được hưởng, cả về tinh thần và vật chất. Nhưng vì đảm nhiệm chức trách tiền phong, nếu làm hết tâm lực của mình, họ không thể có nhiều thành đạt cho lợi ích riêng tư. Thành đạt của họ sau Đại hội không giống thành đạt thông thường. Nó phần nhiều là một dạng tạm ứng. Tạm ứng niềm tin, tạm ứng tấm lòng, từ nhiều chục triệu con người hôm nay, mai sau... Năm năm tới là thời gian họ - những người lãnh đạo của chúng ta - phải vắt hết nhiệt tình, trí tuệ để trả cho tạm ứng ấy. Và không dễ chút nào. Trong Hội trường và quanh Hội trường Ba Đình, tôi nhìn vào họ, tôi đọc trong mắt họ niềm vui điềm tĩnh và nỗi âu lo chân thành. Họ đang đón nhận lên vai mình trọng trách. Chúng ta có thể tin vào những gì ngày mai họ và chúng ta có thể làm được.

Trần Đăng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.