Vàng bớt “sóng”

13/03/2011 02:18 GMT+7

Giá vàng trong nước sau khi đạt đỉnh mới (38,5 triệu đồng/lượng)- cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, đã giảm xuống hiện còn ở mức trên dưới 37 triệu đồng/lượng.

Mức giá này tuy vẫn còn cao hơn giá thế giới khi nhập về Việt Nam (kể cả phí, thuế, lãi,…), nhưng đã giảm hơn nhiều so với mức chênh lệch trước đây. Đây là một trong những tín hiệu khả quan của những biện pháp kiềm chế lạm phát, quản lý thị trường ngoại hối, đặc biệt là chủ trương quản lý thị trường vàng miếng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, nếu vàng trước đây không chỉ được dùng làm đồ trang sức, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, hoặc được để dành theo tâm lý phòng tránh rủi ro,… mà còn là một kênh đầu tư quan trọng và đi theo nó là hiện tượng đầu cơ, thổi giá, tạo sóng…, thì nay khi có thông tin Nhà nước có chủ trương xóa bỏ thị trường tự do về vàng miếng, yếu tố đầu tư, đặc biệt là đầu cơ sẽ giảm đi. Mặt khác, việc quản lý thị trường ngoại hối với sự chỉ đạo ba “dứt khoát” của Thủ tướng Chính phủ (“Dứt khoát không để tỷ giá thả nổi. Dứt khoát không thể để tình trạng đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp pháp luật thế này. Dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”). Thị trường ngoại hối đã bước đầu có sự ổn định trở lại. Biểu hiện rõ nhất là chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do với thị trường chính thức đã giảm thiểu. Việc mua ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới cũng sẽ giảm theo. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã có vài lần giảm xuống từ 5 - 10 VND/USD. Như vậy, giá vàng trong nước gần như chỉ phụ thuộc vào sự lên xuống của giá vàng thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới sẽ được giảm thiểu; việc nhập lậu vàng cũng sẽ được kiềm chế; việc nhập khẩu vàng của nhà nước để ổn định giá vàng trong nước như vài năm qua cũng sẽ ít đi (năm 2009, năm 2010 kim ngạch nhập khẩu vàng và sản phẩm để ổn định giá vàng trong nước lên đến trên dưới 2,7 tỉ USD/năm). Thậm chí khi giá vàng trong nước xuống thấp hơn giá vàng thế giới thì việc xuất khẩu vàng sẽ được thực hiện, vừa để chống nhập siêu, vừa để khai thác lượng vàng tồn đọng lớn ở trong dân (theo ước tính hiện còn khoảng 400 tấn vàng, tương đương với một phần ba tổng GDP của cả nước năm 2010).

Khi giá vàng ở trong nước gần như chỉ phụ thuộc vào giá vàng thế giới, không còn bị tác động kép của tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, khi tâm lý tích trữ vàng miếng ở trong dân không còn lớn như trước (thậm chí nhiều người còn bán ra hoặc chuyển đổi thành vàng nữ trang); hiện tượng đầu cơ tạo sóng sẽ giảm thiểu, thị trường vàng sẽ trở lại ổn định, giá vàng trong nước sẽ không còn nhảy múa, trong một vài ngày tăng giảm một vài triệu đồng/lượng như trước đây.

Tuy nhiên, do giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới, mà giá vàng thế giới lại phụ thuộc vào tình hình lạm phát trên thế giới hiện nay (bắt đầu từ nhu cầu cơ bản - lương thực, thực phẩm - đang lan sang các nhu cầu khác), nên giá vàng trong nước vẫn có thể tăng song không có “sóng” lớn. Đây là sự cảnh báo cần thiết.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.