Vốn ODA

12/06/2010 00:58 GMT+7

Với các nước đang phát triển, nguồn vốn vay ODA để tạo nên sức bật kinh tế, đặc biệt quan trọng để kiến thiết hạ tầng. Tuy nhiên, để tiếp nhận nguồn vốn ODA, cần phải có một bộ máy mang tính chuyên môn kỹ thuật cao và hệ thống hành chính phải hết sức minh bạch, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: nước nghèo cần vốn ODA nhưng sử dụng vốn ODA không hiệu quả, gánh nặng nợ quốc gia chồng chất, và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Không thể phủ nhận rằng trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã phát huy một số tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế, quốc kế dân sinh. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém mà nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì khi tiếp tục nhận vay nguồn vốn ODA, nhất là với nguồn vốn lớn cho các “siêu dự án”, sẽ nảy sinh vô số vấn đề phức tạp.

Xin đưa ra vài ví dụ khiến cho nguồn vốn ODA chưa đáp ứng được yêu cầu mong đợi. Đó là việc vay vốn ODA để thực hiện dự án cải thiện môi trường TP.HCM.

Dự án này do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho vay, có hiệu lực từ 29.6.2000, ngày kết thúc dự án là 31.12.2005 và hiệu lực khoản vay kết thúc vào ngày 30.6.2006 để thực hiện một số hạng mục hạ tầng tại TP.HCM với tổng giá trị là 100 triệu USD, trong đó vốn vay của ADB là 70 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Norad (Chính phủ Na Uy) là 1,8 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách là 28,2 triệu USD.

Trong tổng thể dự án này có tiểu dự án cải tạo rạch Hàng Bàng nhằm thi công, lắp đặt các cống thoát nước cấp 2, 3 trên địa bàn các quận 5, 6, 11 và có ảnh hưởng trên một lưu vực rộng 430 ha. Tuy nhiên, sau nhiều lần xin gia hạn, cho đến ngày ADB quyết định khóa sổ khoản vay, dự án chỉ giải ngân được 16%, khối lượng công việc thực hiện vô cùng ít ỏi sau hơn 7 năm ròng rã thực hiện.

Trong nhiều lý do ADB khóa sổ khoản vay, có những lý do chứng tỏ sự tắc trách và vô cùng ấu trĩ của các cơ quan tiếp nhận nguồn vốn để thực hiện dự án. Chẳng hạn, do đơn vị thiết kế không tham chiếu các tiêu chuẩn mực nước thủy triều hoặc thông số được thể hiện trong quyết định quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19.6.2001 nên đã có sự chênh lệch khá lớn độ cao tính toán thủy triều tại một số cửa xả quan trọng như các điểm Cầu Mé, Phú Lâm, Hậu Giang và Ông Buông. Với sự chênh lệch này, các cửa xả nói trên đều không có khả năng thoát nước, do vậy báo cáo nghiên cứu khả thi buộc phải sửa chữa lại. Và việc điều chỉnh, sửa chữa này ngốn mất một khoảng thời gian… hơn 3 năm!

Một chuyện khác khiến cho nhiều người ngạc nhiên là trong tiểu dự án “Thu gom, vận chuyển rác và lò hỏa táng” (thuộc dự án cải thiện môi trường TP.HCM kể trên), chỉ riêng việc thẩm định giá cho một số gói thầu “mua sắm xe đẩy tay và thùng đựng rác” đã ngốn mất một khoảng thời gian… 10 tháng. Đây là hai trong số nhiều lý do khiến cho khoản vay ODA của dự án này bị khóa sổ.

Ngoài ra, còn nhiều câu chuyện liên quan đến khoản vay ODA, chẳng hạn dự án vệ sinh lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Dự án này theo đánh giá có tầm ảnh hưởng đến 1,2 triệu dân thuộc phạm vi lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè đi qua 7 quận nội thành TP.HCM. Dù nhiều lần xin gia hạn và phía cho vay nhiều lần cảnh báo sẽ ngưng cho vay nếu không đẩy nhanh tiến độ dự án, đến nay vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục chưa hoàn thành.

Việc có nhiều bất cập trong sử dụng nguồn vốn vay ODA cho thấy rằng, có địa chỉ cho vay và vay bao nhiêu để thực hiện các dự án mới chỉ là “điều kiện cần”, việc nội bộ của nước đi vay ODA phải làm gì để thực hiện nguồn vốn vay hiệu quả nhất như cải tổ bộ máy hành chính, chuyên môn hóa cao bộ phận tư vấn thiết kế và thi công dự án, minh bạch trong sử dụng vốn ODA, thúc đẩy các dự án đúng tiến độ để không bị “đội giá” dự án... chính là “điều kiện đủ”. Vì vậy, khi hội tụ được các điều kiện “cần và đủ” mới là lúc đủ lực thực sự để tiếp nhận vốn ODA.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.