Chất vấn là quyền rất rộng

12/08/2015 06:18 GMT+7

Sáng qua 11.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Sáng qua 11.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Chất vấn là quyền rất rộngChủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Liên quan đến quy định tại dự luật về các vấn đề và cá nhân được chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng quy định của dự luật về chất vấn tại kỳ họp QH là quá hẹp. Theo bà Mai, quyền chất vấn là quyền rất rộng đã quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp cũng không hạn chế trả lời chất vấn trong kỳ họp hay ngoài kỳ họp như dự thảo luật.
“Đi qua cầu thấy thu phí không hợp lý thì chất vấn”
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng điều 80 của Hiến pháp quy định rõ ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Vì vậy, cần có quy định về việc chất vấn ngoài kỳ họp, cũng như xác định rõ cá nhân ĐBQH được làm gì, như thế nào khi chất vấn ngoài kỳ họp. “Chẳng hạn tôi đi qua cầu thấy thu phí không hợp lý, tôi có thể giơ thẻ ĐBQH ra để chất vấn ai quy định thu phí này hoặc có thể gặp ông chủ tịch huyện hỏi ngay, chất vấn ngay”, ông Ksor Phước nêu vấn đề.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những vấn đề đã được đoàn giám sát kết luận, có đầy đủ căn cứ thì các cơ quan liên quan phải thực hiện báo cáo giải trình. Đoàn ĐBQH các tỉnh phải có kết luận giám sát và phải gửi tới các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH). Bên cạnh đó, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban phải có kết luận báo cáo giải trình và gửi tới các đối tượng giám sát để thi hành. Trong trường hợp cần thiết, khi có quá nửa số thành viên của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đề nghị thì sẽ trình Ủy ban TVQH ra kết luận, trong trường hợp cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.
Dân không đồng ý cũng là kết quả trưng cầu
Thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Trưng cầu ý dân (TCYD), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho rằng nếu quy định cụ thể các vấn đề thì khó nhưng quy định chung mang tính nguyên tắc lại không khả thi. Việc xác định nội dung TCYD phải sát thực tiễn nếu không chủ thể đề xuất TCYD sẽ không thực hiện được.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ đồng tình quan điểm các vấn đề gì TCYD nên quy định khái quát chứ không nên chi tiết. Tuy nhiên, “quy định khái quát như thế nào cũng chưa thấy được thể hiện ở dự luật đưa ra lần này”. Theo ông, cần có quan điểm các vấn đề được TCYD phải là các vấn đề hệ trọng đối với đất nước như các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh đối ngoại quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước. Thứ hai là những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân. Thứ ba là những nội dung, vấn đề ảnh hưởng lớn, phạm vi rộng đến quốc kế dân sinh. Đã đưa vấn đề ra trưng cầu thì dân đồng ý hay không đều là kết quả TCYD. Dự thảo luật TCYD phải toát lên tinh thần này.
Liên quan đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong TCYD, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nếu quy định không chặt thì với luật này bằng nhiều con đường “họ có thể ép đưa ra TCYD một vấn đề gì đó”.
Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Thân Đức Nam: Tăng tính xây dựng trong hoạt động chất vấn
Qua thực tiễn tham gia 9 kỳ họp QH, tôi nhận thấy việc chất vấn những người do QH bầu và phê chuẩn có 2 hình thức là gửi câu hỏi chất vấn và chất vấn trực tiếp tại hội trường. Do thời gian chất vấn hạn chế, số ĐB chất vấn đông, các câu hỏi trải rộng trên nhiều vấn đề nên ít có vấn đề nào được đào sâu để tìm ra nguyên nhân, bàn sâu về giải pháp xử lý. Ngay cả các ĐB khi đặt câu hỏi lần 2, 3 cũng không có điều kiện để nêu lên quan điểm của mình nên việc chất vấn thiếu tính đối thoại. Sau khi chấm dứt cuộc chất vấn, cử tri không biết vấn đề được đặt ra giải quyết thế nào. Khi về địa phương, cử tri nêu lại vấn đề ĐBQH cũng không biết trả lời ra sao.
Nên thay đổi phương thức chất vấn theo cách hỏi đáp thành cuộc đối thoại giữa ĐBQH và những người có trách nhiệm về một vấn đề cụ thể để qua đó vấn đề được làm sáng tỏ, Ủy ban TVQH kết luận, QH ban hành nghị quyết thực thi. Cách thức này có thể áp dụng cho cả việc chất vấn trong các phiên họp của Ủy ban TVQH được truyền hình trực tiếp với 63 đoàn ĐBQH. Như vậy sẽ làm tăng tính xây dựng trong hoạt động chất vấn của ĐBQH, không còn nặng về khuynh hướng truy trách nhiệm của người được chất vấn mà theo khuynh hướng tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.