Chạy vào chỗ lương thấp để làm gì?: Phải bỏ chế độ biên chế suốt đời

23/12/2015 06:03 GMT+7

Chính quan niệm và cũng là thực tế: có một chân biên chế làm suốt đời, vừa oai vừa nhàn lại có thể được đặc quyền đặc lợi... là nguyên nhân khiến nhiều người bằng mọi giá chạy vào.

Chính quan niệm và cũng là thực tế: có một chân biên chế làm suốt đời, vừa oai vừa nhàn lại có thể được đặc quyền đặc lợi... là nguyên nhân khiến nhiều người bằng mọi giá chạy vào.

Người dân rất dễ bị nhũng nhiễu bởi những công chức chỉ biết đặc quyền đặc lợi - Ảnh: Nguyễn TuấnNgười dân rất dễ bị nhũng nhiễu bởi những công chức chỉ biết đặc quyền đặc lợi - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Do vậy các ý kiến cho rằng công chức nếu không làm việc hiệu quả thì phải tinh giản, loại bỏ để những người tài năng khác có cơ hội cống hiến...
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng: “Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Chúng ta phải phấn đấu một nền công vụ hiện đại như vậy”. Ông nói thêm: “Từ những năm 2000, ở New Zealand người ta đã thực hiện rồi. Tức là, họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời. Thậm chí, từ cấp thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng thôi. Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải anh vào công chức rồi thì cứ “rung đùi” ngồi đó mãi”. Theo ông Phúc: “Ở VN hiện nay, chế độ công chức suốt đời là một sự cản trở”.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, riêng Hà Nội, tổng biên chế năm 2013 so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4.704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, nhiều hơn cả cán bộ, công chức ở TP.HCM.
Thu Hằng
Tương tự, chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), cho rằng: “Do thiếu chế định sát hạch định kỳ cán bộ công chức nên những người đã vào biên chế xem đây là nơi lý tưởng để... an dưỡng, là nơi có được đặc quyền, đặc lợi. Do vậy, cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó là chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức. Những người thuộc biên chế nếu trì trệ, không liêm chính thì phải sa thải để tạo điều kiện cho người khác (không phải là biên chế) nhưng làm việc tốt, làm giỏi có cơ hội vào”.
Theo ông Sơn, đặc biệt cần khẩn trương xây dựng luật hoặc quy chế cải cách hoạt động công vụ để điều chỉnh hành vi của công chức, qua đó góp phần phòng chống nạn chạy chọt công chức.
TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật - Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Nhiều lĩnh vực hành chính người dân phải “bôi trơn”. Vấn nạn này rõ ràng chịu sự chi phối rất mạnh của những cán bộ, công chức chỉ biết đặc quyền, đặc lợi. Nếu đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy” rồi, để nhanh “thu hồi vốn”, không còn cách nào khác ngoài việc tìm cách để nhận “bôi trơn””. Theo ông Hảo: “Nên chuyển chế độ trả lương theo thâm niên sang trả lương theo khối lượng, tính chất công việc phụ trách. Ai làm nhiều hưởng lương nhiều, làm ít hưởng ít”.
Tiền “chạy” Công chức dùng làm vốn khởi nghiệp
Chị Nguyễn Thị Lê Na, Phó giám đốc thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến, Công ty CP trang trại nông sản Phủ Quỳ (Nghệ An), nói: “Đôi khi túi rỗng tuếch nhưng đi ra ngoài, giới thiệu mình làm ở cơ quan nhà nước vẫn thấy oai! Công chức lương thấp, buộc phải làm việc nọ việc kia, bớt xén thời gian dành cho việc chuyên môn. Còn ở vị trí cao hơn, họ tìm cách mở sân sau làm ăn riêng, cao hơn nữa là móc nối các mối quan hệ để xin việc, chạy việc”. Chị Lê Na nói thêm: “Cá nhân tôi từng làm việc ở cơ quan nhà nước, dù không mất một xu khi xin việc nhưng công việc không phù hợp nên tôi chuyển sang làm công ty nước ngoài rồi ra làm riêng, chủ động phát triển sự nghiệp theo ý muốn bản thân”.
Còn anh Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín (Hà Nội), cho rằng: “Tiền “chạy” công chức nên dùng làm vốn khởi nghiệp. “Chạy” làm giáo viên tốn khoảng 150 triệu đồng, lương mỗi tháng tầm 3 triệu đồng, đứng lớp bao nhiêu năm mới “kéo” lại tiền bỏ ra. Trong khi đó, nếu làm công nhân bên ngoài, không mất tiền “chạy”, lương tháng 4 - 5 triệu đồng, chịu khó làm tăng ca cũng được đến 6 - 7 triệu đồng/tháng. Như thế sao không chịu đi làm, vì nhiều người cho rằng công chức oai hơn!”. Theo anh Được, hiện có nhiều cơ hội để người trẻ tự thân khởi nghiệp, do vậy các bạn trẻ cần mạnh dạn tự khởi nghiệp bằng năng lực, kiến thức của mình, hãy bỏ suy nghĩ “chạy” vào làm những ngành nghề “ngon” để bòn rút lấy lại “vốn”.
Đổi mới, công khai tuyển dụng công chức
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng tiêu cực có thể phát sinh trong tất cả các khâu tuyển dụng công chức, viên chức. “Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức. Đó là, đổi mới trong tuyển dụng - gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng. Tức là, người sử dụng có thể lựa chọn được người đúng yêu cầu công việc của mình. Hạn chế tình trạng hiện nay một cơ quan tuyển dụng còn một cơ quan thì sử dụng...”, ông Tuấn nói.
Trường Sơn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.