'Việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của công ty TNHH Sichuan Huashi chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký'
Nếu không tuyển dụng đủ lao động trong nước, 300 lao động Trung Quốc sẽ vào thi công khách sạn JW Marriott - Ảnh: Hoàng Sơn |
Hôm nay, 24.11, UBND TP.Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí về việc đồng ý cho công ty TNHH Sichuan Huashi (công ty mẹ ở Trung Quốc) được phép sử dụng lao động là người Trung Quốc sang làm việc tại Đà Nẵng.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, ngày 30.9, công ty Silver Shores có công văn về việc nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật, công nhân tay nghề cao người nước ngoài để hỗ trợ hoàn thành công trình khách sạn đã nêu.
Ngày 15.10, Công ty Sichuan Huashi tiếp tục có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH về vấn đề này. Cụ thể, sẽ sử dụng 300 lao động từ Trung Quốc, chia ra 7 đợt từ tháng 12.2015 đến tháng 8.2017, mỗi đợt có 40-50 lao động qua làm việc từ 1-3 tháng.
Công ty đề nghị các cơ quan chức năng TP cho phép thực hiện phương án nêu trên, nếu lao động địa phương không đáp ứng được; đồng thời, cam kết thực hiện việc xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào làm việc theo từng đợt, trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 22.10, Sở LĐ-TB-XH có tờ trình UBND TP đề nghị chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của công ty TNHH Sichuan Huashi.
Căn cứ đề nghị này, ngày 29.10, UBND TP có công văn chấp thuận; đồng thời, chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, Công an TP triển khai các qui trình tiếp theo đúng quy định.
Công trình khách sạn JW Marriott - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Cũng theo báo cáo này, sau đó, Sở LĐ-TB-XH giao cho Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức tuyển dụng lao động kỹ thuật của Việt Nam vào vị trí của công ty TNHH Sichuan Huashi dự tuyển lao động nước ngoài theo từng đợt.
Kết luận sự việc, UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, về chủ trương, công văn của UBND TP đồng ý chấp thuận là văn bản thông báo chủ trương để Sở LĐ-TB-XH và các ngành, đơn vị liên quan căn cứ tiến hành các thủ tục tiếp theo đúng quy định.
Đến nay, Sở LĐ-TB-XH đang triển khai quy trình giải quyết đề xuất của công ty TNHH Sichuan Huashi theo đúng quy định và thực tế chưa cấp phép trường hợp nào.
“Việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài của công ty TNHH Sichuan Huashi chỉ được tiến hành sau khi Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố không tuyển đủ được lao động là người trong nước cho các vị trí việc làm theo đăng ký”, thông báo này nêu.
Ngoài ra, việc cấp phép cho lao động Trung Quốc chỉ thực hiện đối với các vị trí việc làm theo đăng ký không có lao động là người trong nước đảm nhận sau tuyển dụng và mỗi đợt tuyển dụng không được tuyển quá số lượng lao động đã đăng ký.
Lao động của đợt tuyển dụng tiếp theo chỉ được xem xét sau khi toàn bộ số lao động của đợt trước đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.
Các cơ quan chức năng của khẳng định đã và đang kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập cảnh lao động và việc chấp hành pháp luật của người lao động nước ngoài khi làm việc tại địa phương.
Công trình khách sạn JW Marriott gần sân bay Nước Mặn - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Trước đó, vào ngày 23.11, UBND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH, Ban Thường vụ Thành uỷ để giải trình rõ các vấn và khẳng định việc UBND TP tuân thủ theo đúng các qui định hiện hành của pháp luật về việc tuyển dụng lao động người nước ngoài.
Như Thanh Niên đã thông tin, mới đây, UBND TP.Đà Nẵng cho phép nhà thầu của Trung Quốc điều chuyển 300 lao động từ tỉnh Tứ Xuyên sang Đà Nẵng làm việc dưới danh nghĩa là “lao động kỹ thuật” tại khu vực ven biển “nhạy cảm”.
Với số lượng lớn lao động đã nêu cộng với việc vị trí thi công công trình gần sân bay Nước Mặn khiến dư luận xôn xao nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận (0)