Với mục đích làm giảm thiểu ô nhiễm phát sinh tại các chợ và giảm áp lực quá tải giao thông trong nội thành, UBND TP đã cấp cho Tổng công ty thương mại Sài Gòn 65 ha để xây dựng chợ. Khu chợ hiện nay mới chỉ nằm trong giai đoạn 1 với diện tích 24 ha.
Chợ được đưa vào hoạt động từ tháng 3.2006 với việc đảm bảo hoạt động cho các ngành hàng là thủy hải sản và rau củ quả với hơn 600 thương nhân buôn bán. Chợ nằm bên sông Bến Lức và đại lộ Nguyễn Văn Linh nên rất thuận tiện cho việc tập trung hàng hóa từ các nơi về cũng như vận chuyển, tiêu thụ vào nội thành.
Thực tế, khi lập dự án đầu tư xây dựng chợ Bình Điền có tính đến việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Với sự phê duyệt và theo tiến độ dự án thì hệ thống này phải được xây dựng xong nhằm phục vụ xử lý nước thải sau khi chợ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ khi chợ đi vào hoạt động tới nay thì hệ thống xử lý này vẫn còn nằm trên giấy, chỉ có hệ thống xử lý nước tạm thời với công suất 400m3/ngày đêm. Nhưng với tổng khối lượng nước thải hằng ngày là khoảng 2.000m3 thì hệ thống xử lý nước thải đó “có cũng như không”. Khoảng 1.600m3 nước thải được vô tư xả thẳng ra sông Bến Lức mà không hề có bất cứ động thái xử lý nào. Kết quả xét nghiệm cho thấy sự ô nhiễm nghiêm trọng đến mức phải báo động: COD vượt 37 lần; BOD5 vượt 35 lần; Nito tổng vượt 15 lần; dầu động thực vật vượt 52 lần và đặc biệt là Coliforms vượt tới 240 lần.
Vấn đề đặt ra là tại sao với một khu chợ bề thế và hoạt động từ lâu như thế, với một lượng nước thải khổng lồ như thế, lại hoạt động với những vi phạm nêu trên mà không bị xử lý nghiêm khắc?
Thái Hoàng - Hiếu Dũng
Bình luận (0)