Danh sách dự án thua lỗ còn dài không?
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, do 5 dự án (gồm ethanol, xơ sợi, gang thép…) được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn trước 2008 - thời điểm mà khuôn khổ pháp lý giao cho các tổng công ty 90, 91 được toàn quyền từ ký kết hợp đồng, lựa chọn công nghệ, nhà thầu… nên sự tham gia của bộ chủ quản lẫn bộ chuyên ngành rất hạn chế.
|
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh nhận xét Bộ trưởng trả lời không trúng vấn đề chính là trách nhiệm quản lý nhà nước. “Không thể cứ khoán trắng cho doanh nghiệp (DN) tự tổ chức đầu tư rồi đến khi thua lỗ lại báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để cho giải pháp xử lý”, ông Sinh quan ngại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận phần trả lời của ông bị “cuốn theo mạch suy nghĩ”, nên chưa bao quát hết nội dung câu hỏi. Bộ trưởng trấn an rằng việc trao nhiều quyền cho DN là ở giai đoạn trước đó, gắn với thời kỳ cụ thể. Còn hiện nay, khuôn khổ pháp lý đã có nhiều phân cấp cụ thể, kèm theo hậu kiểm và làm rõ trách nhiệm của các cấp. Đề cập giải pháp, ông cho biết: “Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết”.
Chia sẻ với sự quyết tâm của Bộ trưởng, song ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) vẫn không hết âu lo khi đặt câu hỏi: “Ngoài 5 dự án thua lỗ nhiều nghìn tỉ đồng vừa báo cáo thì trên thực tế còn bao nhiêu dự án có mức đầu tư lớn mà có nguy cơ thất bại như 5 dự án trên? Liệu đến kỳ họp Quốc hội sau, liệu sẽ phải có thêm một bản danh sách khác mà đọc đến ai cũng đau đớn và xót xa?”.
Không đưa một con số cụ thể nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận còn nhiều tiềm ẩn ở không ít dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau. “Mức độ ra sao thì cần thời gian để tổng hợp, rà soát kỹ theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ giải trình với Quốc hội. Nhưng tinh thần chung là sẽ triển khai các dự án một cách thận trọng để không có thêm một bản danh sách khiến ai cũng phải chua xót”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng có dám hứa sẽ từ chức?
Nhắc lại sự cố môi trường do Formosa gây ra cho 4 tỉnh miền Trung như là một bài học xương máu, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tỏ rõ bức xúc khi Bộ Công thương tiếp tục bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại Ninh Thuận. “Tôi đề nghị Bộ trưởng hãy trả lời thẳng, trả lời thật với cử tri cả nước có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc Bộ đang chạy theo DN để làm dự án? Việc bất chấp những phản biện khoa học, tâm huyết của các chuyên gia để bổ sung quy hoạch dự án này có được xem là hành vi dẫn đến tội ác hay không?”, ĐB đoàn Phú Yên hỏi dồn dập.
|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt từ trước đó nhưng sau năm 2008, do năng lực nhà đầu tư không đáp ứng được nên dự án bị rút ra. Đến cuối năm 2015 dự án tiếp tục được nghiên cứu khi Tập đoàn Hoa Sen đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận và đề xuất đưa vào trong quy hoạch điều chỉnh và được ngành công thương chấp nhận. Dù vậy, Bộ trưởng cũng lưu ý đây mới là điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Đánh giá cao cam kết mà Chủ tịch Tôn Hoa Sen nói trước Thủ tướng là “nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho nhà nước”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Tôi cũng muốn hỏi Bộ trưởng là hôm nay ông có dám cam kết trước Quốc hội rằng sẽ từ chức nếu dự án thép Cà Ná gây hệ lụy không?”. Nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chưa kịp trả lời câu hỏi do thời lượng còn lại dành cho ông trong đầu buổi chiều quá ít.
Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khen “lưu loát và trôi chảy, nắm chắc vấn đề”. Tuy nhiên, theo chủ tọa phiên họp: “Bộ trưởng cần tham mưu cho Chính phủ để có báo cáo rõ hơn các công trình thua lỗ, có giải pháp để không tái lập tình trạng này; rà soát các dự án liên quan ô nhiễm môi trường, nhất là công trình ven biển để báo cáo với Quốc hội”.
Không rõ trách nhiệm khi môi trường ô nhiễm
Trong phần chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà sau đó, trước vấn nạn ô nhiễm môi trường nhức nhối, nhiều sự cố xảy ra nhưng không ai nhận trách nhiệm, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Hiện có tình trạng phổ biến, khi xảy ra ô nhiễm nhưng không có cơ quan, cá nhân nào nhận trách nhiệm nên việc xử lý khó khăn. Xin cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý ngành và nguyên nhân, giải pháp xử lý?”.
Bộ trưởng Hồng Hà thừa nhận dù luật pháp đã phân định trách nhiệm khi xảy ra sự cố môi trường, nhưng ranh giới của sự phân định còn chưa rõ ràng ở khâu phối hợp để làm rõ trách nhiệm. Đơn cử hiện nay có tình trạng phê duyệt đánh giá tác động môi trường do T.Ư làm, còn cấp phép đầu tư dự án lại ở địa phương. Không nói rõ trách nhiệm cụ thể của ngành
TN-MT cũng như “phần” của mình, ông Hà cho rằng với mỗi sự cố môi trường các cơ quan ở T.Ư không thể đảm đương, xử lý hết. “Tới đây từng luật, văn bản dưới luật thống nhất phải xác định được thẩm quyền và trách nhiệm thông suốt của từng người, từng bộ phận thông suốt từ phê duyệt, giám sát cho đến khi dự án đó đi vào hoạt động”, ông Hà đưa ra giải pháp.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải “cắt ngang” 2 lần nhắc nhở Bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm, đặc biệt câu hỏi về vấn đề người dân đang bức xúc đối với sự cố ô nhiễm môi trường tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh). Trước đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khi đặt câu hỏi đã ghi nhận giải pháp tích cực của Chính phủ, Bộ TN-MT. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cử tri Quảng Bình còn thiếu niềm tin, băn khoăn cho thế hệ tương lai. “Theo Bộ trưởng cơ sở nào đảm bảo tới đây Formosa Hà Tĩnh không gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho người dân trong thời gian tới?”, ĐB Phương hỏi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định riêng sự cố Formosa trách nhiệm thuộc về Bộ TN-MT. Ông cho biết Bộ TN-MT đã lập ban theo dõi 24/24 hệ thống xả thải cả rắn, lỏng và khí, buộc DN áp dụng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất của quốc tế.
Bình đẳng nhưng phải lựa chọn
Vấn đề bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp cho sản xuất nội địa, nhất là nông sản cũng là vấn đề được nhiều ĐB trăn trở trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành công thương. “Chia lửa” với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đăng đàn và cho biết: Hiện nay chúng ta xuất khẩu khoảng 30 tỉ USD, nhập khẩu 23 tỉ USD, tức là thặng dư 8 tỉ USD nhưng không chủ quan mặc dù chúng ta đang có lợi.
Do đó, càng hội nhập sâu thì từng thị trường, từng sản phẩm phải tính toán để làm sao ta có lợi nhất. Ví dụ, Thủ tướng đã chỉ đạo hiện nay mở thị trường với Úc để họ nhập tôm VN, đổi lại mình cho họ xuất khẩu quả cherry sang vì đây là quả mình không sản xuất được và thị trường cũng nhỏ. Theo ông Cường, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Thủ tướng có giao nhiệm vụ ngành nông nghiệp và ngành công thương tham mưu và hai ngành đề xuất ba sản phẩm đề nghị đàm phán là thịt lợn, hai là rau quả và ba là sữa - những lợi thế của VN. Chiều ngược lại, thị trường chúng ta đang thiếu bò nhưng cần lựa chọn bò giống, đàn bò cái về để kích thích phát triển sau này. “Ý ở đây muốn viện dẫn một điều chúng ta chấp nhận cuộc chơi bình đẳng nhưng phải lựa chọn”, ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận, do một số sản phẩm ngô như của Mỹ vẫn có lợi thế về giá thành rẻ nên các DN được quyền lựa chọn nhập. Điều này cũng là động lực để ngành nông nghiệp tập trung nâng cao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm làm ra có chất lượng, cạnh tranh được về giá cả.
Chí Hiếu (ghi)
|
Bình luận (0)