Giám đốc Công an TP.HCM: Chống tội phạm 'vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức'

06/06/2016 06:25 GMT+7

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong nhìn nhận: “Nếu còn xảy ra trộm cắp, cướp giật, dù chỉ là một vụ thì người dân vẫn không yên tâm”.

Chống tội phạm “vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức”
       Trung tướng Lê Đông Phong
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đánh giá tình hình phạm pháp hình sự đang được kéo giảm, tuy nhiên “vẫn phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên từng địa bàn, từng vụ việc cụ thể để có giải pháp mới căn cơ hơn”.
Ông Phong nhìn nhận: “Nếu còn xảy ra trộm cắp, cướp giật, dù chỉ là một vụ thì người dân vẫn không yên tâm”.
Xử nghiêm cán bộ tiêu cực
Phải chăng tại những địa bàn phức tạp về trộm cắp, cướp giật là do công an nơi địa bàn đó lơ là nhiệm vụ chống tội phạm?
Tinh thần quyết liệt của Công an TP chống tội phạm để bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức phục vụ. Những cá nhân nào lơ là nhiệm vụ này phải bị xử lý cho phù hợp với sai phạm đó. Quy định kỷ luật của ngành công an có đủ mức độ hết, tương ứng với từng mức độ sai phạm thế nào thì xử lý. Chúng tôi kiên quyết không bao che, thậm chí sai phạm đến mức xử lý hình sự thì cũng phải xử lý hình sự. Như thế thì quản lý mới nghiêm, mới giữ được kỷ cương.
Nhiều ý kiến bức xúc phản ánh là khi có sự cố về an ninh trật tự xảy ra, người bị hại gọi điện cho cảnh sát khu vực (CSKV) nhưng có lúc họ không đến hoặc đến rất trễ. Trung tướng chấn chỉnh tình trạng này thế nào?
Vấn đề đó lãnh đạo Công an TP cũng đang rất quan tâm, chấn chỉnh. Nếu như phát hiện ở đâu có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với nhân dân là xử lý nghiêm. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, đóng góp xây dựng lực lượng công an của các tầng lớp nhân dân TP. Hễ phát hiện ở đâu có việc gì cán bộ công an tắc trách, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, tiêu cực thì mong người dân cứ phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý thật nghiêm, không bao che. Chúng tôi có cách bảo vệ người phản ánh, cung cấp thông tin chống tiêu cực. Kể cả báo chí, khi nắm được thông tin gì đó, mong báo chí chủ động phản ánh với Công an TP để chúng tôi có biện pháp kiểm tra, xác minh nhanh nhằm xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm.
Không để xảy ra băng nhóm
Hễ phát hiện ở đâu có việc gì mà cán bộ công an tắc trách, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, tiêu cực thì mong người dân cứ phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý thật nghiêm, không bao che. Chúng tôi cũng sẽ có cách bảo vệ người phản ánh, cung cấp thông tin chống tiêu cực
Thời gian tới, Công an TP có những biện pháp nào để trấn áp tội phạm, đặc biệt ngăn chặn triệt để tội phạm trộm cắp, cướp giật?
Vấn đề tội phạm phải được giải quyết một cách rất đồng bộ giữa những giải pháp căn bản để giải quyết nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, trong đó có cả vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục trong cộng đồng… Phải thực hiện tổng hợp những giải pháp căn bản như tôi đã nói. Đó là ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ phát sinh hành vi phạm tội, củng cố nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách.
Với tội phạm băng nhóm, xã hội đen, Công an TP có kế hoạch trấn áp ra sao, thưa trung tướng?
Phải quyết tâm giữ được môi trường sống bình yên cho người dân. Lãnh đạo Công an TP trước đây từng hứa trước HĐND TP là sẽ không bao giờ để xảy ra lần thứ hai những vụ băng nhóm xã hội đen nghiêm trọng như vụ Năm Cam. Từ đó đến nay Công an TP tập trung các biện pháp đấu tranh quyết liệt. Lực lượng chuyên trách trong nhiệm vụ này cũng đã nâng cao hiệu quả công tác để ngăn chặn, không để tội phạm hoạt động kiểu băng nhóm, cấu kết, đặc biệt là tồn tại lâu dài, có tính hệ thống.
Người dân rất kỳ vọng vào lực lượng cảnh sát săn bắt cướp trên đường phố. Vậy bao giờ Công an TP thành lập lực lượng này?
Lực lượng săn bắt cướp từng rất oai hùng một thời gian với nhiều chiến công xuất sắc. Sau đó tên gọi lực lượng này không còn nữa. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP vẫn có những lực lượng khác kế thừa để thực thi nhiệm vụ, đó là hình sự đặc nhiệm.
Công an TP đã trình đề án và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về việc tái lập lực lượng cảnh sát săn bắt cướp. Hoạt động của lực lượng này, dù dưới tên gọi thế nào vẫn phải dựa trên căn bản các biện pháp nghiệp vụ và hiệu quả, đảm bảo tội phạm không có điều kiện hoạt động, và trong trường hợp xảy ra hành vi phạm tội thì các lực lượng ngăn chặn hiệu quả hơn. Kể cả các phương thức hoạt động tuần tra trên đường phố, ở khu công cộng cũng phải tính toán đến hiệu quả, chứ không phải có mặt ở đó là được.
CSKV xin lỗi dân vì “phớt lờ” tin tố giác tội phạm
Mới đây, một CSKV thuộc P.13, Q.Tân Bình (TP.HCM) đã đến nhà ông Ng.V.Tr (ngụ P.13, Q.Tân Bình) để xin lỗi vì đã phớt lờ, không đến hiện trường khi ông Tr. gọi báo tin tố giác tội phạm.
Cụ thể, ngày 15.5, máy giặt bị hư, ông Tr. lên mạng thấy số điện thoại ghi là sửa chữa máy giặt T.H, ông nhờ người đến sửa. Sau đó, có hai người đến xưng là nhân viên của Công ty điện máy T.H đến lừa sửa chữa để lấy hơn 2,2 triệu đồng.
Sau khi biết bị lừa, ông Tr. tạo cớ dụ 2 người này quay lại “sửa chữa” lần nữa và gọi điện báo CSKV đến hỗ trợ bắt giữ. Tuy nhiên, CSKV lại trả lời: “Tôi không có trách nhiệm giải quyết vụ việc này” và sau đó cúp máy.
Do CSKV không đến nên ông Tr. đã gọi điện cầu cứu Báo Thanh Niên. PV Thanh Niên đã lập tức liên lạc và phối hợp với Công ty điện máy T.H đến ngay nhà ông Tr. lật tẩy hai nhân viên giả mạo lừa đảo và điện báo Công an P.13 đến đưa về phường xử lý.
Công an P.13 sau đó đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an Q.Tân Bình tiếp tục điều tra làm rõ.
PV Thanh Niên chuyển nội dung vụ việc đến đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Công an Q.Tân Bình đã xuống Công an P.13 làm việc đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với CSKV, yêu cầu CSKV này đến nhà ông Tr. xin lỗi.    
Thanh Niên


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.