Chống ùn tắc giao thông: Lệch giờ học, giờ làm vẫn không hiệu quả

19/10/2011 23:56 GMT+7

Giải pháp lệch giờ học,giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông là không mới, từng áp dụng không thành công tại TP.HCM.

Nhiều phụ huynh lo ngại nếu 6 giờ mới tan tầm sẽ phải bỏ làm để đi đón con - Ảnh: Ngọc Thắng

Nếu không thận trọng, giải pháp này sẽ gây rối loạn sinh hoạt của hàng triệu người dân TP, trong khi hiệu quả giải quyết kẹt xe hoàn toàn không chắc chắn.

Lệch “lắt nhắt” không tác dụng

Dù đổi giờ làm, phụ huynh vẫn phải đổ ra đường vào giờ đi học bằng phương tiện cá nhân để đưa đón con cái

PGS Bùi Xuân Cậy - ĐH GTVT

Thực tế trước đây, Hà Nội cũng đã đổi múi giờ học, giờ làm, trong đó giờ học của các trường ĐH bắt đầu từ 7 giờ, công sở từ 7 giờ 30 - 8 giờ, nhưng ùn tắc của thủ đô vẫn ngày một tăng lên. Tại TP.HCM cũng từng thí điểm lệch thời gian khoảng 15 - 30 phút đối với các trường học, KCN... nhưng gần như không tác dụng.

Theo TS Khuất Việt Hùng - trường ĐH GTVT, việc điều chỉnh lệch giờ của Hà Nội không thành công do thiếu nghiên cứu dẫn tới giãn giờ chưa đủ. Dẫn ra câu chuyện của chính mình, ông Hùng cho biết: “Sáng tôi đưa con đi học, sau đó mới đi làm, cuối giờ chiều lại phải đi gặp khách hàng. Một ngày có một chuỗi chuyến đi với các điểm đầu cuối, có thể cách rất xa nhau. Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm rất phức tạp, sẽ gây ra những xáo trộn lớn về mặt xã hội. Nếu muốn điều chỉnh phải nghiên cứu, phân tích chuỗi chuyến đi của từng nhóm đối tượng như công chức, sinh viên, đặc biệt những đối tượng công việc tự do. Trong đó phải có số lượng cụ thể, đưa đón con là bao nhiêu, không chỉ công chức mà cả lao động tự do”.

PGS Bùi Xuân Cậy - ĐH GTVT nhận xét điều chỉnh giờ chỉ là giải pháp tình thế, bởi dù đổi giờ làm, phụ huynh vẫn phải đổ ra đường vào giờ đi học bằng phương tiện cá nhân để đưa đón con cái. Đồng quan điểm này, một chuyên gia còn cho rằng, điều chỉnh giờ rất có thể chỉ gây tác dụng phụ là giờ cao điểm ùn tắc sẽ chuyển từ 7 - 8 giờ  sáng hiện nay sang 8 - 9 giờ sáng.

Ông Đặng Văn Khoa - nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, khẳng định nếu áp dụng phương án bố trí lệch giờ, lệch ca “lắt nhắt” 15 - 30 phút thì kết quả sẽ chỉ là con số không, phải điều chỉnh thời gian giãn cách rộng ra thì mới có thể tạo ra sự chuyển biến. Tuy nhiên, nếu lệch giờ quá nhiều sẽ làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân. Thực tế, phương án lệch giờ chỉ có thể áp dụng cho khối cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học... Nhà nước không thể ra lệnh cho các doanh nghiệp phải mở cửa làm việc vào thời gian nhất định nào trong ngày. Hơn nữa, đặc trưng giao thông ở TP.HCM và Hà Nội là cả nhà đồng thời ra đường... Chẳng hạn, cha mẹ không có nhu cầu vào công sở trước 8 giờ sáng, nhưng vẫn phải đi ra khỏi nhà vào lúc 6 giờ 30 để đưa con cái đi học.

Thực tế hiện nay cho thấy, kẹt xe không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm, mà kéo dài nhiều thời điểm trong ngày. Do đó, nếu bố trí lệch giờ không hợp lý chẳng những không điều tiết được thời gian lưu thông trên đường của người dân mà còn có nguy cơ kéo dài thêm giờ cao điểm, gây ùn tắc cao hơn.

Hạn chế giao thông “con lắc”

Phụ huynh, nhà trường đều kêu khó

Theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với Hà Nội, có thể điều chỉnh giờ làm của công chức muộn hơn so với hiện nay, bắt đầu từ 8 giờ 30 - 9 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ chiều.

Hiện tại, giờ học của HS tiểu học và trung học cơ sở (THCS) - đối tượng vẫn cần đưa đi, đón về bắt đầu vào học lúc 7 giờ - 7 giờ 30. Như vậy, nếu điều chỉnh thì giờ học của HS sẽ lệch quá xa so với giờ đi làm của phụ huynh. Như vậy bố mẹ sẽ phải đi sớm để đưa con tới trường rồi ngồi chơi gần 2 giờ đợi đến giờ làm việc. Buổi chiều thì phụ huynh không thể trốn về sớm để đón con nên nhà trường sẽ không thể kiểm soát nổi HS ngoài giờ.

Giải pháp bố trí lệch giờ học, giờ làm tự bản thân nó không phát huy hiệu quả nếu các cơ quan chức năng không giải quyết căn cơ dựa trên nguyên lý lưu thông của người dân tại 2 đô thị lớn nhất cả nước.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đặc thù của người dân TP.HCM và Hà Nội là lưu thông theo kiểu “con lắc”. Chẳng hạn, tình trạng kẹt xe ở TP.HCM diễn ra chủ yếu tại khu vực các quận quanh khu vực trung tâm trong diện tích chừng 60km2 và ở tất cả các cửa ngõ ra vào TP. Nguyên nhân, các trụ sở hành chính, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, điểm dịch vụ vui chơi giải trí... đều tập trung trong khu trung tâm.

Việc người bên ngoài dồn vào trung tâm sau đó quay trở về nhà tạo ra hiện tượng tần số dao động kiểu “con lắc” tăng rất nhanh và xa (như con lắc đồng hồ trở về điểm xuất phát sau khi thực hiện một dao động), khiến cho lượng người lưu thông trên đường đông hơn với thời gian phải chạy trên đường nhiều hơn. Như vậy, để điều tiết giao thông hiệu quả, cần hạn chế hiện tượng giao thông “con lắc” bằng các giải pháp căn cơ, lâu dài. Ngoài việc đưa các trường ĐH, bệnh viện, công sở... ra bên ngoài trung tâm thì cũng cần phát triển các loại dịch vụ thu hút đông người ra xa hơn.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, các dự án cao ốc, dịch vụ ở lõi của khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội đang thu hút mạnh người tham gia giao thông và nén dân số đến nghẹt thở. Chính quy hoạch đô thị mới là nguyên nhân tác động trực tiếp lên hành vi lưu thông của người dân. Do đó, các đô thị lớn cần chuyển dần sang xu hướng xây dựng các “chùm đô thị” hay các “tuyến đô thị” với nhiều TP quy mô nhỏ và vừa về dân số nhưng có tính độc lập đối với các “siêu đô thị”, nhằm chấm dứt sự đổ dồn dân số và lưu lượng xe cộ vào khu trung tâm. Khi đã thực hiện các giải pháp căn cơ này, thì việc bố trí lệch giờ làm, giờ học chỉ là giải pháp hỗ trợ cho quá trình điều tiết giao thông đô thị.

Tuấn Đạt - Mai Hà - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.