Chưa có tội danh làm nhục trên facebook?

10/01/2016 05:53 GMT+7

Một yếu tố quan trọng trong tội danh làm nhục người khác là xác định người vi phạm có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng như thế nào là xúc phạm nghiêm trọng thì luật chưa quy định rõ

Phát hiện người yêu cũ sử dụng một Facebook đăng 26 bài viết có nội dung thô tục, bịa đặt cùng 9 hình ảnh nhạy cảm của mình và hô hào, kêu gọi công đồng mạng vào xem, chia sẻ, nhưng nạn nhân phải mất gần 2 năm mới được... xin lỗi.
Gặp lại chị N.M.T (35 tuổi, ngụ Q.4), nguyên đơn trong vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vừa được TAND Q.2 (TP.HCM) xử thắng kiện vào chiều 7.1, ấn tượng của chúng tôi về chị chính là sự thẳng thắn trong chia sẻ, độc lập trong cách sống và sâu sắc trong cách suy nghĩ.
Từ trước đến nay để xử lý tội danh làm nhục người khác thông thường là hành vi phải xâm phạm trực tiếp đến thân thể như lột quần, lột áo, cắt tóc, cạo đầu, bôi vôi giữa đám đông, còn hành vi đưa những hình ảnh, nội dung cá nhân người khác lên Facebook khi chưa có sự cho phép thì chưa có tiền lệ nên cũng khó để xử lý hình sự
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự - TAND tối cao
“Thật ra, lúc mình gửi đơn thư tố cáo ra Công an Q.2, sau vài lần làm việc tại đây, anh N. cũng có nhắn tin xin lỗi và mong mình thông cảm và mọi việc nên dừng lại ở đây nhưng thật sự lời xin lỗi lúc đó đối với mình không còn giá trị nữa. Hậu quả mà mình nhận, lòng tin của mình vào anh N. đã mất hoàn toàn”, chị T. chia sẻ.
“Hình ảnh ấy cứ ám ảnh...”
Sự việc đã xảy ra gần 2 năm nhưng ngồi nhớ lại, ánh mắt chị vẫn đượm buồn, ngân ngấn. “Cảm giác lúc này hay tại thời điểm mình đọc được những dòng nội dung, hình ảnh đó vẫn là một. Cảm giác đó là gì mình không biết nhưng không đơn thuần chỉ là điên, tức tối. Mình dường như không thở được, miệng thì không nói nên lời, tay thì run rẩy không thể điều khiển được con chuột (để rê máy tính - NV). Đọc xong, mình đóng máy vi tính lại, đứng dậy cố gắng hít thở, đi lại nhiều lần trong phòng làm việc để cố lấy bình tĩnh. Tối về nhà, không cần mở Facebook để đọc một lần nữa nhưng từng con chữ, hình ảnh ấy cứ ám ảnh trong đầu mình”, chị T. nhớ lại.
“Ban đầu, mình chọn con đường nói chuyện, đề nghị anh N. gỡ toàn bộ nội dung đăng tải xuống, nhưng vì anh N. cương quyết không chịu, mình mới đi đến quyết định buộc anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi không đẹp của anh”, chị T. nói.
Chị T. cho hay, đầu tiên là chị gửi đơn tố cáo ra Công an Q.2 và đây cũng là chặng đường chị thấy đơn độc nhất. “Giai đoạn này luật sư không được tham gia nên mình phải tự thân chiến đấu. Mình còn nhớ ngày đầu tiên lấy lời khai tại phòng điều tra tổng hợp, bên trái, bên phải, trước mặt mình có cả thảy 5 anh công an, tất cả ánh mắt của họ nhìn mình dù không biểu lộ ra rõ nhưng cảm nhận của người phụ nữ mình biết họ nghĩ rằng “không có lửa làm sao có khói hay phải làm gì thì người ta mới hành động thái quá như thế”. Nói thật, mình vừa tủi, vừa giận, vừa nghĩ “danh dự, nhân phẩm của tôi đang bị xúc phạm, tôi đi tố cáo nhưng tại sao tôi không nhận được sự cảm thông”, chị T. kể lại trong bức xúc.
Rồi chị chia sẻ tiếp: “Quá trình đi tố cáo, ít nhiều mình nhận được sự cay đắng nhưng với quyết tâm làm sáng tỏ sự thật, đi đến tận cùng chân lý đã giúp mình vững tin đi tiếp, không e dè, ngại ngùng và bỏ mặc cảm qua một bên. Dù con đường mình chọn có thể là cam go, vất vả nhưng mình nghĩ đó là con đường duy nhất đi đến chân tướng, danh dự và khi tìm lại được thì đó là việc xứng đáng, không thiệt thòi”.
“Im lặng là vô tình cổ xúy”
Quay lại thời điểm khi phát hiện sự việc, chị T. cho biết gia đình khuyên chị nên bỏ qua, bởi càng làm căng càng nhiều người biết thì chính người phụ nữ - là chị mới bị thiệt thòi, “mất mặt” nhiều nhất. “Khi đó mình không cãi nhưng mình vẫn âm thầm làm bởi mình muốn bằng mọi giá trên con đường pháp luật, mình phải bảo vệ danh dự cho mình. Bởi danh dự không thể mua hay bán, là thứ không thể mất”, chị T. khẳng định và tâm sự: “Trong chuyện này, mình biết gia đình, bạn bè ai cũng thông cảm và muốn tốt cho mình, nhưng mình nghĩ phụ nữ thời nay ngoài việc họ được bảo vệ thì chính bản thân họ cũng phải biết tự đứng lên bảo vệ chính mình”.
Chị cho rằng: “Phụ nữ chúng ta mở rộng chia sẻ những chuyện tình cảm tế nhị, riêng tư của bản thân khi bị người khác xâm phạm không có nghĩa là chúng ta dễ dãi, còn chúng ta im lặng là vô tình cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật. Sai lầm của mình là đã cho anh N. chụp những hình ảnh nhạy cảm. Những hình ảnh ấy tuy không trần trụi nhưng cách anh ấy lồng ghép hình ảnh vào nội dung thô tục khiến hình ảnh ấy còn tệ hơn trần trụi. Nếu không có hình ảnh đó thì chắc chắn sẽ không có cơ hội để anh N. lợi dụng để vi phạm”.
Về phán quyết của Hội đồng xét xử hôm 7.1, chị T. cho rằng chị khá hài lòng và sẽ không kháng cáo. “Dù tòa bác yêu cầu buộc anh N. phải xin lỗi, cải chính công khai trên báo chí nhưng mình không cố theo đuổi làm gì, điều đó với mình không quan trọng, điều mình muốn là chính anh N. phải trực tiếp xin lỗi mình, trực tiếp chịu trách nhiệm về hành vi của anh ấy và khẳng định rằng những người bị xâm phạm đời tư như mình được pháp luật bảo vệ”, chị T. nói.
“Chưa có tiền lệ”
Trong khi đó, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự - TAND tối cao, nhận xét hành vi của anh N. đúng là xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng đủ yếu tố xử lý hình sự về tội “làm nhục người khác” hay chưa thì phải do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá.
“Một yếu tố quan trọng trong tội danh làm nhục người khác là xác định người vi phạm có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng như thế nào là xúc phạm nghiêm trọng thì luật chưa quy định rõ. Hơn nữa, từ trước đến nay để xử lý tội danh làm nhục người khác thông thường là hành vi phải xâm phạm trực tiếp đến thân thể như lột quần, lột áo, cắt tóc, cạo đầu, bôi vôi giữa đám đông, còn hành vi đưa những hình ảnh, nội dung cá nhân người khác lên Facebook khi chưa có sự cho phép thì chưa có tiền lệ nên cũng khó để xử lý hình sự”, ông Quế nhận định.
Chị T. kể, khi chị và anh T.G.N (bị đơn) chính thức quen nhau thì hai người đã có nửa năm làm bạn. Khi yêu nhau, cả hai cũng về ra mắt gia đình hai bên. “Vì mình và anh N. từng một lần lỡ đò nên khi quyết định yêu ai một lần nữa cả hai đều muốn hướng tới một mối quan hệ bền chặt. Nhưng về sau, do quan điểm sống khác xa nhau nên mình chủ động chia tay”, chị T. kể.
Sau khi nói lời chia tay, anh N. cũng là người chủ động hủy kết bạn với chị trên Facebook và cả hai không hề có dịp tiếp xúc nào trong 1 năm. Tại phiên tòa, đại diện của anh N. cũng cho rằng lý do anh N. đăng tải nội dung và hình ảnh nhạy cảm là bởi 1 năm sau chia tay, anh N. đọc được dòng trạng thái của chị T. trên tường Facebook của chị với nội dung châm biếm, đả kích vu vơ. Cho rằng, dòng trạng thái này là nói về mình nên anh N. đã phản ứng lại bằng hành động tiêu cực.
Tuy nhiên, tại tòa và cũng nhiều lần nói chuyện trước đó với anh N., chị T. cũng giải thích, rằng dòng trạng thái đó là chị dành cho một người bạn trai đang ở nước ngoài, rằng anh N. cố tình suy diễn, hiểu sai, nhưng thay vì dừng lại hay rút bài xuống thì anh N. lại tiếp tục vi phạm.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.