* Thưa ông, Bộ LĐ -TB-XH lấy ý kiến sửa đổi bộ luật Lao động (LĐ) 2012, ngoài phương án giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, còn có thêm phương án tuổi nghỉ hưu của nam tăng lên 62 tuổi và nữ tăng lên 60. Trong 2 phương án trên, ông nghiêng về phương án nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Cá nhân tôi cho rằng nên giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại theo điều 187 bộ luật LĐ 2012. Trong điều 187 của bộ luật này, mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu 55 với nữ và 60 với nam, nhưng tại khoản 3 có nêu rõ, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, những người có trình độ quản lý có nhu cầu ở lại làm việc khi đơn vị có nhu cầu sử dụng thì được tiếp tục làm việc tối đa không quá 5 năm và không giữ chức vụ lãnh đạo.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt khác như: những người hợp Bộ Chính trị và Nhà nước thống nhất vẫn giữ chức vụ lãnh đạo ví dụ: nữ từ hàm Thứ trưởng trở lên, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, TP.HCM, trưởng ban Đảng mà là thường vụ của Hà Nội và TP.HCM, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân… được kéo dài thời gian làm việc nhưng không quá 5 năm.
Nếu điều 187, Chính phủ hướng dẫn toàn diện cho các đối tượng thì những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, khoa học… vẫn có thể kéo dài 5 năm khi người lao động (NLĐ) tự nguyện mà không đảm nhận chức vụ lãnh đạo.
Ưu điểm của phương án giữ nguyên là chúng ta vẫn sử dụng được những người có năng lực, có trình độ chuyên môn cống hiến mà không mất nguồn chất xám. Người có chức vụ khi tới tuổi hưu có thể không đảm nhiệm tiếp vị trí.
Hơn thế nữa, chúng ta lại giải quyết được bài toán thất nghiệp, thiếu việc làm của một bộ phận lực lượng LĐ. Hiện nay cung LĐ đang lớn hơn cầu sử dụng. Chúng ta có tới hơn 200.000 sinh viên ĐH-CĐ ra trường thất nghiệp, chưa có việc làm.
Vì vậy, tôi cho rằng phương án giữ nguyên là phương án tốt nhất. Vừa giải quyết được cả vấn đề kinh tế, xã hội, lại vừa giải hạn chế được vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm của giới trẻ.
* Nghĩa là nếu theo phân tích của ông, phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là không cần thiết?
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một phương án tốt, nhưng là bài toán chúng ta phải tính rất cụ thể và phải có lộ trình. Phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất mỗi năm tăng 3 tháng, tôi cho rằng là chưa phù hợp, không có tác dụng nâng cao chất lượng công việc. Trong 3 tháng đó, NLĐ thường có tâm lý nghỉ ngơi chờ đến tuổi nghỉ hưu, chưa nói tới việc sẽ gây khó cho cơ quan bảo hiểm trong việc tính toán lương hưu.
Theo tôi, ngoài 2020, chúng ta hãy bắt đầu nghĩ đến việc quy định về độ tuổi LĐ. Lộ trình 3 năm tăng thêm 1 tuổi để đến năm 2030 nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58. Tiếp đến 2037, nam là 65 và nữ là 60. Đến lúc đó, dân số bước vào thời kỳ già hóa, lúc đó bắt đầu thiếu nguồn LĐ thì cung LĐ bắt đầu đáp ứng cầu sử dụng.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu bao nhiêu là hợp lý, thời điểm nào? Đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau? Để trình Quốc hội, Chính phủ phải tính toán, cân đối, có đánh giá tác động điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tới kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an sinh xã hội.
|
* Theo lý giải của Ban soạn thảo, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ mất cân đối. Ông nghĩ sao về điều này?
Nếu ai đó nói rằng tăng tuổi nghỉ hưu để chống lại mất cân bằng quỹ là hoàn toàn không đúng. Chúng ta có thể yên tâm bởi 2 quỹ Bảo hiểm y tế và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Nguyên tắc của chúng ta là đóng hưởng, nhà nước bảo hộ, tăng 8% tiền lương cho khu vực hành chính sự nghiệp thì người về hưu cũng tăng 8%, người có công cũng 8%. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nguyên tắc quỹ được quản lý bằng một Hội đồng ở T.Ư. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện đầu tư quỹ.
Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ tác động một phần bởi nguyên tắc lương hưu của chúng ta là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Tại sao quỹ BHXH của chúng ta không cân đối được bởi đóng quá ít, hưởng quá nhiều, sống quá lâu. Trước đây, tuổi bình quân của người Việt sống sau khi nghỉ hưu là 14 năm, nay NLĐ về già của chúng ta sống 18-20 năm, làm sao cân đối được. Khi xây dựng và tính toán luật BHXH năm 2014, chúng tôi ước tính sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối Quỹ BHXH vào năm 2037.
Chúng ta có thể điều chỉnh chính sách phù hợp, tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH hiệu quả. Đến lúc chúng ta phải tính tới việc người đóng ít sẽ hưởng ít và ngược lại. Đồng thời, chúng ta cần có thêm các chính sách khác như quỹ hưu trí bổ sung để giúp NLĐ khi hết tuổi làm việc có thêm 2 khoản lương hưu và các giải pháp tăng trưởng quỹ.
Chúng ta sẽ có chương trình dự báo để khi đến lúc chúng ta bước vào quá trình già hóa dân số chúng ta nâng tuổi lên để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Chúng tôi xin nhận các ý kiến của bạn đọc về tăng tuổi nghỉ hưu tại địa chỉ e-mail: tshn.btn@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)