Chưa thống nhất mở rộng quyền khởi tố, điều tra án ma túy

23/02/2009 23:38 GMT+7

Hôm qua 23.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.

Theo tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự là nhằm khắc phục những bất cập, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, môi trường.

Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 19 và Điều 23 của Pháp lệnh theo hướng bổ sung các đơn vị phòng, chống ma túy của Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng) và Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tội phạm về ma túy và tội phạm trong lĩnh vực môi trường

Ủy ban TVQH nhất trí năm 2009 và năm 2010 sẽ bổ sung 1.500 biên chế cho TAND các cấp, trong đó có 508 thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tổng biên chế của toàn ngành TAND năm 2009 và năm 2010 là 13.524 người, trong đó có 5.436 thẩm phán.

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi quy định: đối với tội phạm ít nghiêm trọng, trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì Cục trưởng Cục Trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy Bộ đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Trưởng đồn biên phòng có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ..., khởi tố bị can, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát; đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ... chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong 7 ngày.

Một số ý kiến của Ủy ban TVQH cho rằng mở rộng việc giao quyền quyết định khởi tố như dự thảo là không khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền lo lắng: “Chức năng chính của Bộ đội biên phòng là quản lý biên giới, không phải là khởi tố điều tra. Giao cho nhiều cơ quan làm điều tra như thế có thể ảnh hưởng tới chất lượng?”. Ở góc độ khác, Ủy viên Ủy ban TVQH Trần Thế Vượng phân tích: “Mô hình tổ chức như vậy là rất lủng củng. Đồn trưởng mà có quyền ngang hàng với ông cục trưởng, ông chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh cũng chẳng có quyền gì khác với ông trưởng phòng là không được”.

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại đề nghị xem xét bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển trong việc tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tội phạm về ma túy.

Cùng ngày, Ủy ban TVQH thảo luận về Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Theo dự thảo, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc sẽ không phải nộp án phí. Ngoài ra, các đối tượng khác cũng sẽ được miễn toàn bộ án phí, gồm: người khởi kiện các vụ án hành chính là thương binh, bố mẹ liệt sĩ, người có công; các hộ nghèo hoặc những người yêu cầu bồi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại được điều chỉnh tăng 4 lần so với quy định hiện hành.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.