Thay vì phải là không gian để người bệnh thư thả dưỡng bệnh, môi trường ở một số bệnh viện hiện rất bát nháo, phức tạp, từ chuyện bắt chẹt xe cấp cứu, xe vận chuyển đến việc “cò” ngày càng lộng hành...
“Cò” (đội mũ lưỡi trai) đứng trước khu vực bãi giữ xe của Trung tâm y khoa Medic (Q.10) - Ảnh: Lương Ngọc
|
Tình trạng “cò” tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM hiện nay rất đáng báo động, thách thức BV và cả công an địa phương. Thực trạng này được thể hiện rõ từ BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh) đến BV Da liễu (Q.3), Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (Q.10), BV Đại học Y Dược (Q.5)… gây ra cảnh bát nháo ở môi trường lẽ ra cần sự yên bình cho người bệnh.
Tình trạng bát nháo ở trước cổng BV Phạm Ngọc Thạch (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Đức Tiến
|
|
“Cò” ngày càng làm tới...
Lực lượng “cò” ở BV Da liễu phải nói là thách thức ra mặt đối với lực lượng công an và BV. “Cò” ở đây hoạt động rầm rộ hơn 10 năm nay nhưng các cơ quan liên quan chẳng những không dẹp được mà còn để họ hoạt động ngày càng công khai, lấn tới, rất lộ liễu.
Ban ngày, bệnh nhân (BN) vừa đến cổng BV này là bị “cò” chặn đầu xe, vô tư hướng dẫn BN ra các phòng mạch tư bên ngoài. “Cò” hành nghề rất công khai, chỉ cách bảo vệ BV mươi bước chân. Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi ghé lại đây, mặc cho BV liên tục đọc thông báo cảnh giác “cò”, có gần 10 “cò” vẫn ngang nhiên “bắt” BN trước cổng BV, dọc con đường Nguyễn Thông.
“Cò” giơ tay, hò hét gọi BN giống như nhân viên hướng dẫn của BV: “Khám da liễu hả, qua đây lấy số khám nhanh nè”. Chị Phước (24 tuổi, quê Tiền Giang) vừa chạy xe đến cổng BV, bị “cò” chặn đầu xe, dẫn vào phòng khám trong con hẻm Phạm Đình Toái, kế BV. Tưởng nhân viên giữ xe của BV, chị Phước chạy theo, tới nơi mới biết bị “dụ”. “Họ giới thiệu vào đây khám nhanh, bác sĩ của BV Da liễu. May mà chúng tôi có nghe bạn bè cảnh báo trước nên một mực từ chối khám, quay lại BV. Ai không biết trước rất dễ bị “cò” lừa gạt”, chị kể.
“Cò” hướng dẫn bệnh nhân sang phòng khám da liễu đối diện cổng BV Da liễu - Ảnh: Lương Ngọc
|
Tại cổng Trung tâm Medic, hiện có khoảng 10 “cò” hoạt động túc trực từ 4 giờ sáng đến chiều, làm huyên náo khu vực này, nhất là vào đầu ngày. Trước, “cò” ở đây chỉ đứng phía ngoài trung tâm chèo kéo BN, nhưng giờ “cò” vào hẳn bên trong để lừa phỉnh BN ra các phòng khám bên ngoài. Họ đứng ngay lối ra vào trung tâm, tràn ra đường để “bắt” BN khiến khu vực ở đây (đường Hòa Hảo) luôn bị ùn ứ.
Ngày 7.6, chị N.T.L.H đến Medic để khám bệnh tổng quát, khi chị H. đã vào bên trong trung tâm thì một nam thanh niên đến bảo chị đi theo anh ta ra phòng khám của trung tâm ở bên ngoài để được khám nhanh hơn. Vì lần đầu đến đây nên chị H. tưởng thật nên theo qua đường Nguyễn Duy Dương gần đó, vào phòng khám P.A. Tại đây, sau khi tốn hơn 2 triệu đồng tiền xét nghiệm, chị H. mới tỏ ra nghi ngờ, gọi vào đường dây nóng của Medic thì mới biết mình bị “cò” lừa gạt.
Một bác sĩ của trung tâm bức xúc: “Cò” khám bệnh ở Medic gần đây đáng báo động, thách thức cả lực lượng bảo vệ và cả công an địa phương, khiến môi trường ở đây ngày càng bát nháo. BV thì ngại đụng chạm, còn công an địa phương thì không quyết liệt nên “cò” làm tới, tràn vào luôn bên trong trung tâm để lôi kéo BN, đưa ra các phòng khám bên ngoài.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, cho biết rất đau đầu với nạn “cò” hoành hành tại trung tâm. “Mỗi lần dẫn đi “cò” lấy của BN 200.000 đồng, họ hoạt động từ 4 giờ sáng”, ông Hải nói.
Trước cổng BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh) luôn có 14 - 15 “cò” túc trực, chèo kéo “bắt” người bệnh ra các phòng khám tư đối diện BV để ăn chia hoa hồng. Nhiều lần BV phối hợp với công an phường lập hồ sơ quản lý, theo dõi, xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, “cò” ở đây ngày càng lộng hành hơn, đỉnh điểm là hôm 10.5.2015, “cò” cùng một nhóm người bịt kín mặt chém cả 2 bảo vệ của BV trọng thương phải nhập viện. Tại BV Đại học Y Dược, đội ngũ “cò” cũng đông không kém BV Ung bướu, Da liễu, và hoạt động từ khoảng 3 giờ sáng để đón BN từ các tỉnh lên.
Buôn bán hàng rong, giữ xe nhếch nhác
Ngoài lực lượng “cò” bát nháo, trước cổng các BV còn xảy ra tình trạng buôn bán, giữ xe gây ra cảnh nhếch nhác.
Buôn bán trước cổng BV Chợ Rẫy - Ảnh: Lương Ngọc
|
Tại cổng BV Chợ Rẫy (phía đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5), taxi, xe ôm và hàng rong ngang nhiên chiếm chỗ, thậm chí nhiều tài xế còn đặt hẳn bàn cờ ngồi đánh ngay mặt tiền BV. Những “cửa hàng di động” với đủ thứ đồ ăn, thức uống, đồ dùng cá nhân... bày tràn lan, lấn chiếm khuôn viên trước BV. Khách sử dụng thực phẩm xong thì vứt bao ni lông, chai lọ nằm ngổn ngang trước cổng BV. Anh Việt (33 tuổi, quê Long An) đưa người thân đi khám bệnh tại BV, ngao ngán: “Lần đầu đến BV nhìn cảnh xô bồ trước cổng mà ngán. Ngoài cảnh bát nháo, nhếch nhác, ngồi uống chai nước, nghỉ ngơi một lúc mà phải nghe chửi thề liên tục”.
“Liều mình” lấy cơm từ thiện dưới lòng đường ở BV Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Đức Tiến
|
Tương tự, tại cổng BV Đại học Y Dược TP.HCM (phía đường Đặng Thái Thân, Q.5), diện tích lối đi chỉ còn vỏn vẹn dành cho hai người vì xung quanh được “bọc” bởi người bán hàng rong, xe ôm, các bãi giữ xe tràn ra vỉa hè hai bên đường. Cánh cổng nhỏ của BV bị che khuất bởi hàng trăm chiếc xe máy bao quanh; tiếng vỗ tay chào mời gửi xe, tiếng rao hàng đinh tai nhức óc. Bà Mai (50 tuổi, quê Lâm Đồng) nói: “Lớn tuổi rồi, sức khỏe yếu nên phải đến BV, chứ môi trường BV trông bát nháo, nhếch nhác, bất an quá!”.
Nhếch nhác hơn là trước khu vực BV Chấn thương chỉnh hình (Q.5). Phía trước BV này rất lộn xộn, xe máy chiếm trọn vỉa hè và đủ loại hàng quán di động như cơm, cháo, bánh canh, nước uống… Trạm xe buýt ở đây cũng bị tận dụng để buôn bán. Nạn cò kéo, mua bán trước khu vực BV Ung bướu khiến giao thông khu vực này luôn bị ùn ứ, lộn xộn. Khi bước vào trong BV, do không có chỗ nên nhiều người thân BN nằm, ngồi vật vờ, la liệt trông rất bức bối, căng thẳng. “Chỉ mong con sớm khỏi bệnh rồi về chứ ở đây lâu thì không bệnh cũng thành bệnh”, anh Hiền (41 tuổi, quê Đắk Lắk) ngán ngẩm.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho rằng nếu chỉ một mình BV thì không thể giải quyết tình trạng “cò”, hay tình trạng mất trật tự phía trước, bên ngoài BV, mà cần sự hỗ trợ của lực lượng công an địa phương. “Mặc dù, công an địa phương cũng phối hợp với BV, nhưng hễ vắng công an thì “cò” lại hoạt động, hăm dọa cả bảo vệ BV”, bác sĩ Minh nói. |
Bình luận (0)