Câu hỏi này bà Lê Thị Nga nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến nội dung báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016.
Chưa phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực
Đại diện Chính phủ trình Báo cáo tóm tắt về công tác PCTN năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.
Theo ông Sáu, qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn.
Đáng chú ý, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: “Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”.
Ông Phan Văn Sáu dẫn chứng: thống kê cho thấy các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỉ đồng, 838 m2 đất, đã thu hồi 92,460 tỉ đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646,616 tỉ đồng; đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45,605 tỉ đồng.
tin liên quan
Kiểm soát thu nhập qua tài khoản để phòng chống tham nhũngĐây là nội dung đáng chú ý về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nêu trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 Quốc hội vừa thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp sáng nay.
Báo cáo cũng cho biết có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực. “Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Đánh giá về các biện pháp kê khai tài sản hiện hành, ông Phan Văn Sáu thừa nhận việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Việc số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện có nguyên nhân từ sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.
Tham nhũng xảy ra trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng
Đại diện cơ quan thẩm tra Báo cáo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, nhưng vì sao việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng.
|
“Đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng”, bà Lê Thị Nga dẫn đề nghị của Ủy ban Tư pháp.
Cũng theo bà Nga, điều đáng lưu ý, thời gian qua xảy ra một số vụ tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá thực trạng và có phải pháp khắc phục, xử lý.
tin liên quan
Kiến nghị sửa đổi toàn diện luật Phòng chống tham nhũngHội thảo tham vấn dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, do Hội Luật gia VN phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tổ chức hôm qua (8.9) tại TP.Đà Nẵng.
Về đánh giá tình hình tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước, trong khi đánh giá của Ban chấp hành T.Ư Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.
Bà Nga dẫn chứng, theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Theo bà Nga, báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Ngoài ra, báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng.
“Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi ẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân”, bà Nga nhấn mạnh.
Bình luận (0)