Cụ Huỳnh Thúc Kháng từng đưa ra nhiều chứng cứ 'Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam'

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, Cụ Huỳnh đã đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Sáng nay 1.10, tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), Ban Chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1.10.1876 - 1.10.2016).
Tham dự lễ có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành TƯ...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điểm lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao quý của cụ Huỳnh Thúc Kháng - một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, vị lãnh đạo Nhà nước mẫu mực, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam.
“Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng - được người dân hay gọi bằng cái tên thân thương nhưng đầy kính trọng “Cụ Huỳnh” - là tấm gương sáng, đức cao, vọng trọng, suốt một đời vì nước, vì dân, mãi mãi để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập, noi theo”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (bên phải) thăm, tặng quà tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở H.Tiên Phước ĐOAN NGUYÊN
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học, sử học. Trong đó, với tư cách là một nhà sử học uyên bác, Cụ Huỳnh để lại nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm HỨA XUYÊN HUỲNH
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, Cụ Huỳnh đã đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh “không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”.
“Suốt đời Cụ Huỳnh trung thành với Chính phủ, với đất nước, là một khúc ca hùng tráng... Noi gương cụ, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương tại nhà lưu niệm Cụ Huỳnh ở xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm tại nhà lưu niệm Cụ Huỳnh ĐOAN NGUYÊN
Sự nghiệp văn học, sử học, nghiên cứu của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã để lại nhiều di sản lớn, trong đó có báo Tiếng Dân (giai đoạn 1927-1943) HỨA XUYÊN HUỲNH
Cụ Huỳnh Thúc Kháng quê ở tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Học hành đỗ đạt cao, là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội) nhưng cụ từ chối không ra làm quan, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân, nuôi chí canh tân đất nước. Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào chống sưu thuế, cụ Huỳnh bị bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921).
Ra tù, cụ giữ cương vị Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Huỳnh nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi đã ngoài 70 tuổi. Đồng thời sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao trọng trách quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài (từ 31.5.1946 – 20.10.1946).
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”.
Trên đường công tác, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng, mất tại Quảng Ngãi ngày 21.4.1947. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức quốc tang cụ Huỳnh giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt.
Năm 2012, cụ Huỳnh được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Huân chương Sao vàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.