Cưỡng chế giải tỏa các tuyến hành lang giao thông

17/04/2008 23:15 GMT+7

Tất cả các công trình nằm trong phạm vi 7 mét tính từ mép quốc lộ đều bị giải tỏa. Đó là thông tin được ông Ngô Quang Đảo, Cục phó Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) đưa ra trong buổi họp báo ngày 17.4.

Theo thống kê của Cục Đường bộ, riêng quốc lộ 1 có khoảng 80.000 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, nhiều nhất là đoạn đường từ Đà Nẵng vào TP.HCM, có tới trên 64.000 trường hợp. Các vi phạm này là do người dân lấn chiếm, cũng có trường hợp khi xây dựng, chủ đầu tư không có đủ kinh phí để giải tỏa đảm bảo được hành lang an toàn. Ông Ngô Quang Đảo nhận xét: "Từ trước đến giờ bất cứ địa phương nào, xí nghiệp nào cũng có thể tự mở đường ngang, đấu nối vào quốc lộ mà chẳng cần xin ý kiến ai. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ đã trở nên rất nghiêm trọng và phức tạp". Đây là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm.
Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các tỉnh, thành phố giải tỏa dứt điểm trước 30.3.2009 các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông các quốc lộ trên địa bàn, chịu trách nhiệm cưỡng chế, phá dỡ các công trình trái phép. Xử lý kỷ luật chủ tịch huyện, xã nếu để tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Khắc phục bất cập trên, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức ra quân lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Kinh phí cho chiến dịch này lên tới 14.000 tỉ đồng, duy trì và kéo dài trong một thời gian. Trong bối cảnh chỉ số lạm phát cao, các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương đã phải tạm dừng đầu tư các công trình không thật cần thiết, số tiền đầu tư lớn trên đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc lập lại trật tự giao thông.

Trước mắt, từ tháng 4 đến tháng 7.2008, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm thí điểm trên 4 đoạn của quốc lộ 1 là Hà Nội - Ninh Bình, Vinh - Huế, Đà Nẵng - Nha Trang, Ninh Thuận - TP.HCM. Tất cả các công trình nằm trong phạm vi 5m - 7m tính từ mép quốc lộ thuộc 4 đoạn tuyến trên đều bị giải tỏa. Theo kế hoạch, Cục Đường bộ sẽ thống kê các trường hợp vi phạm, gửi đến người dân, vận động họ tự tháo dỡ. Nếu họ không tự tháo dỡ, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế từ ngày 1.5 đến ngày 30.6.2008. Sau đó, Cục sẽ triển khai trên tất cả các tuyến quốc lộ khác.

Ông Ngô Quang Đảo cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định đất hành lang đường bộ chỉ được sử dụng trồng các loại cây màu, cây ăn quả, cây lấy gỗ, không được xây dựng công trình, kể cả đó là đất thổ canh, thổ cư. Với cây lấy gỗ phải cao hơn 3m để không che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, dưới 3m phải phát cành cây tán lá. Theo quy định, những công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông từ năm 1999 (khi Nghị định 172 ban hành) đến nay thì không được đền bù, người vi phạm phải tự tháo dỡ. Với nhà cửa thuộc đất thổ canh, thổ cư được cấp từ trước năm 1999 đang sử dụng thì sẽ được thống kê, lập kế hoạch áp giá đền bù, di dời.

Tuy chưa đưa ra được số liệu cụ thể về số vụ tai nạn giao thông sẽ giảm do kế hoạch trên mang lại nhưng ông Ngô Quang Đảo khẳng định: "Chắc chắn sẽ giảm ở một con số tương đối lớn. Chúng tôi sẽ quyết tâm giải quyết được 50% các trường hợp đường ngang đấu nối trái phép. Khi đấu nối với quốc lộ, đường dân sinh bao giờ cũng thấp hơn nên tạo ra độ dốc lớn, điều này rất nguy hiểm vì khi ra đến quốc lộ thì xe vẫn đang đà lên dốc. Xử lý được việc này sẽ giúp nâng được tốc độ của xe, tác động đến chi phí vận tải và giảm được tai nạn".

Theo ông Đảo: "Hiện nay, các dự án đầu tư về giao thông đã được giao cho Cục Đường bộ (trừ những dự án lớn do Bộ làm chủ đầu tư). Kể từ nay trở đi mỗi khi có dự án mới, chúng tôi đều phải quan tâm đến việc giải  tỏa phần đất nằm trong hành lang an toàn giao thông". Ông Đảo cho biết thêm: "Tình trạng đấu nối đường ngang trái phép sẽ không còn, nhưng nói như thế không có nghĩa là Cục Đường bộ không cho đấu nối đường ngang vào quốc lộ nữa nhưng các địa phương phải lập quy hoạch đấu nối đường ngang". Khi có nhu cầu đấu nối phải xin phép Cục Đường bộ, căn cứ vào quy hoạch, Cục sẽ đồng ý. Cho đến nay mới có 27 tỉnh, thành hoàn thành quy hoạch này.

X.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.