Cướp nghêu

31/05/2007 15:24 GMT+7

Chỉ trong năm 2006, tại các xã ven biển tỉnh Bạc Liêu có đến 8 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu được thành lập. Nhiều người ví đây là lời giải cho bài toán kinh tế, là niềm hy vọng đổi đời của hàng ngàn hộ dân chỉ biết mưu sinh bằng nghề mò cua bắt ốc. Nhưng, đổi đời đâu chưa thấy, giờ chỉ thấy các xã viên - mà đa phần là dân nghèo - lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần vì nạn... cướp nghêu!

Hoành hành giữa ban ngày

“Chú định viết về nghêu hả, tiêu tùng hết rồi, còn gì nữa chú ơi !” - một xã viên HTX Thành Công não nuột than. HTX Thành Công, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, Bạc Liêu thành lập hồi tháng 5.2006 với số vốn lận lưng được 395 triệu đồng và diện tích bờ biển được tỉnh cho thuê là 809 ha.


Ông Trần Văn Pha, trưởng công an xã Vĩnh Hậu A
Khi vận động thành lập, nghe cán bộ thuyết trình hướng làm ăn thấy “có lý”, chỉ mua nghêu giống về đổ xuống biển, lo khoanh giữ chứ không cần cho ăn, cứ thế mà thu lời, đã có 305 hộ dân đăng ký vào HTX. Tuy nhiên, đến khi góp vốn thì chỉ có 78 hộ dân có tiền góp. Để tỏ rõ quyết tâm phải nuôi nghêu cho đạt, xã Vĩnh Hậu A đã “cắt” hẳn một Phó chủ tịch UBND ra làm Chủ nhiệm HTX. Với gần 100 triệu tiền giống nghêu mà HTX Thành Công đổ xuống bãi nuôi, nhiều HTX lân cận không khỏi trầm trồ vì sự đầu tư mạnh dạn này.

Ông Trần Minh Trung, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A nhớ lại: “Những lúc nước ròng xuống, ra bãi nuôi nghêu nhìn thấy mê mắt lắm, nghêu nuôi xếp trắng bãi”. Thắng lợi tưởng cầm chắc trong tay, nhiều người đã ước lượng số tiền lãi mà bãi nghêu mang lại. Nhưng từ đầu năm 2007, trên bãi nghêu xuất hiện những người lạ không phải là thành viên của HTX. Ban đầu họ chỉ cào nghêu ở bên ngoài vùng đệm, phần bãi biển mà HTX dành ra cho xã viên mò cua bắt ốc sinh sống hàng ngày.

Dần dần, họ vào bắt nghêu trong khu vực khoanh nuôi. Khi được lực lượng bảo vệ bãi nghêu nhắc thì họ quay ra, bảo rằng không biết ranh giới bãi nghêu nuôi. Ban đầu một vài người “không biết”, rồi đến vài chục người cứ vô tư “không biết nghêu nuôi”.

Ông Trần Văn Thống, Chủ nhiệm HTX Thành Công cho biết: “Thấy tình hình không ổn, tôi đã làm công văn gửi lãnh đạo xã Vĩnh Hậu A và các xã lân cận báo tình hình nhưng không nghe hồi âm gì. Ban đêm tôi ra chòi ngủ canh nghêu với anh em bảo vệ. Sáng thức dậy đã thấy 400 -500 người tràn vào bãi nghêu với gậy gộc, túi lưới ngang nhiên cào bắt nghêu”. Lực lượng bảo vệ và các ngành chức năng, đoàn thể của xã Vĩnh Hậu A trở nên lọt thỏm trong dòng người cướp nghêu.

Biết không thể nào ngăn được, HTX bắt đầu thu hoạch nghêu non. Vơ vét khắp cả bãi nghêu rộng mênh mông, số nghêu còn lại mà HTX  Thành Công thu hoạch chỉ bán được 6,5 triệu đồng, không bằng một phần ba số tiền thuê người bảo vệ bãi nghêu.


Một chòi canh nghêu của HTX Thành Công
Giáp ranh với HTX Thành Công, HTX Vĩnh Phát, xã Vĩnh Hậu cũng cùng chung số phận. Ông Tạ Thanh Nhiều, Chủ nhiệm HTX buồn xo: “Cả... hệ thống cơ quan, đoàn thể của xã đến 50 - 60 người ra đây giữ. Nhưng cuối cùng thì  819 ha của HTX Vĩnh Phát chỉ còn là bãi biển hoang tàn”.

Từ trước đó, tại HTX Vĩnh Phát, cũng “đón” hàng trăm người kéo đến bãi nghêu nuôi của HTX mặc nhiên vơ vét nghêu. Lực lượng bảo vệ, bà con xã viên HTX ra “năn nỉ” cũng không xong. Ông Nhiều cho biết thêm, khi thấy bảo vệ nghêu ngoài biển mênh mông không xong, HTX đem con giống thả vào Kinh 8, ấp Thống Nhất để bảo toàn, không ngờ cũng bị hàng chục người ùn ùn kéo đến cuốn lưới khoanh, đốt bỏ. Đáng nói hơn khi lực lượng chính quyền địa phương ra bảo vệ, cản ngăn thì lập tức bị ăn đòn, bị đe doạ hành hung. Quá bức xúc, ông Tạ Thanh Nhiều làm đơn xin từ chức Chủ nhiệm HTX.

Quá tầm kiểm soát của địa phương!

Một điều trớ trêu, khi thấy vụ việc đã vượt quá khả năng kiểm soát, ông Tạ Thanh Nhiều đã đến HTX nuôi nghêu ở Nhà Mát để “học hỏi kinh nghiệm”, tới nơi mới biết Ban chủ nhiệm ở đây cũng chịu thua “nghêu tặc” !


Lưới và dụng cụ để lại tại một chòi canh nghêu
Lúc xảy ra vụ việc, cả Bí thư và Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình cũng đã đến tận bãi nghêu để làm việc với những tay cướp nghêu. Ban đầu họ cũng nghe, nhưng bãi nghêu rộng mênh mông, tốp này bỏ đi thì tốp khác quay lại, cứ thế đến khi bãi nghêu đã bị vét sạch. Ông Trần Văn Pha, Trưởng Công an xã Vĩnh Hậu A lắc đầu: “Ban đầu tôi cho lực lượng ra tiếp với anh em bảo vệ bãi nghêu, nhưng lực lượng về báo lại là không thể quản xuể. Đến khi tôi đến, họ đã lội ra ngoài biển, ngoắc tôi ra để... đánh lộn !”.  

Trong số những lần Công an Vĩnh Hậu A “mời” những người đi cướp nghêu về trụ sở xã làm việc thì hầu hết số “chịu” đi là trẻ em, từ 10 -15 tuổi, phần lớn là không biết chữ và ấn chỉ vào biên bản lời khai chứ không biết ký tên. Tuy nhiên, ông Lê Vũ Đào, Phó công an xã Vĩnh Hậu cũng cho biết, Công an xã Vĩnh Hậu chỉ nhận về để... lưu hồ sơ chứ không xử lý, vì phạm pháp ở đâu thì xử lý ở đó. “Các đối tượng đâu phải gây án tại xã mà xử lý !” - ông Đào nói vậy. Không thể khống chế số đông người vào bắt nghêu, chính quyền địa phương lại ra lệnh cấm người... mua nghêu. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không khả thi vì nghêu đâu phải là hàng quốc cấm (!?).

“Tiêu diệt gọn” các bãi nghêu ở Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A..., dân cướp nghêu lại chuyển đến bãi nghêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu. Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông cho biết, từ hơn nửa tháng nay đã có vài trăm ký nghêu bị cướp trắng. Tất cả xã viên của các HTX nghêu ven biển Bạc Liêu đều bức xúc khi thấy những đối tượng này không được xử lý đến nơi đến chốn. Hy vọng thoát nghèo của hàng ngàn hộ dân ven biển Bạc Liêu vì thế mà trở nên mong manh vô cùng.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.