Đà Nẵng bảo vệ người bán dâm: Họ cũng là con người

03/03/2016 14:06 GMT+7

Đến ngày 5.3, quyết định số 1010/QĐ-UBND cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ có hiệu lực.

Đến ngày 5.3, quyết định 1010/QĐ-UBND cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ có hiệu lực.

Ông Lê Minh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên - Ảnh: Hoàng SơnÔng Lê Minh Hùng trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên - Ảnh: Hoàng Sơn
Sau khi thông tin rộng rãi, có nhiều ý kiến cho rằng đó là một chính sách nhân văn của Đà Nẵng nhưng cũng không ít người hoài nghi về tính khả thi khi mà công tác kiểm soát hoạt động người bán dâm vốn nhạy cảm và khó khăn.
Với tư cách là người tham mưu chính cho UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định này, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề này.
-Thưa ông, văn bản đã nêu được ban hành trong bối cảnh, tình hình thực tế tại địa phương như thế nào?
-Ông Lê Minh Hùng: Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng một thành phố an bình, văn minh nhưng ở một góc độ nào đó vẫn còn những người phụ nữ bị số phận đưa đẩy mà phải chịu cảnh bán dâm nghiệt ngã. Trong đó có những trường hợp bị dụ dỗ, ép buộc. Thế thì ai sẽ đứng ra giúp những người phụ nữ như vậy thoát ra?
Nếu anh phát hiện họ bán dâm, anh phạt tiền rồi để họ ra ngoài tiếp tục hoạt động thì xem như là thả nổi. Bởi có chị không vì chuyện phạt mà bỏ “nghề” bán dâm. Thậm chí có người chịu phạt một ít nhưng vẫn còn một khoản đủ sống. Như vậy, câu chuyện pháp luật vẫn chưa rốt ráo. Quyết định này đưa ra là để giúp những người phụ nữ bán dâm có cuộc sống tốt hơn, vì thành phố an bình hơn.
Nghị quyết Đại hội Đảng vừa qua hướng tới xây dựng một thành phố sống tốt hơn nên quyết định lần này là hiện thực chứ không phải là khẩu hiệu. Qua đó, thành phố có thể giúp những người bán dâm không bị đe dọa, không bị người khác cưỡng bức.
Người bán dâm cũng là con người và cần được bảo vệ, chăm sócQuyết định do UBND TP.Đà Nẵng ban hành - Ảnh: Hoàng Sơn
Thực ra, trong quá trình đấu tranh với tệ nạn xã hội, tôi được nghe nhiều chị em kể, bản thân họ không muốn bán dâm. Nhưng họ không có vốn, thân cô thế cô lại mượn tiền hoặc dựa dẫm vào một thế lực xấu nào đó mà bị ràng buộc để rồi bị buộc bán dâm nhưng không thoát ra được.
-Theo quyết định, những trường hợp phụ nữ bán dâm khi trung tâm hỗ trợ tiếp nhận sẽ không xem đó là đối tượng xử phạt hành chính, vậy có thể hiểu như thế nào?
Ông Lê Minh Hùng: Đây là một quyết định nhân đạo nhằm chăm lo cuộc sống của người dân với mục tiêu ai cũng bình đẳng, ai cũng được đối xử, được sự trợ giúp của chính quyền như nhau. Chúng tôi thực hiện quyết định một cách nhân văn, không bắt bớ, không xử phạt hành chính những người bán dâm.
Thường thì khi đấu tranh với tội phạm mới lộ ra những người phụ nữ bán dâm. Khi đó, họ trở thành những nạn nhân. Vì vậy thái độ đối xử với nạn nhân cũng khác với tội phạm. Trong quá trình đấu tranh mà không loại trừ được các “thế lực ngầm” thì họ vẫn quản lý những người phụ nữ bán dâm. Và cứ như một vòi bạch tuộc xoay vòng luẩn quẩn.
Thực tế, có những chị em không phải tự ý ra đứng đường và “không ai” cho phép đứng đó mà “làm ăn” được mà có một thế lực nào đó chúng ta không thể chỉ mặt đặt tên hết ra.
Thí dụ có một chị đứng đây thì chắc chắn có một tên nào đó chạy xe quanh quanh. Nếu có ai đó đến “dọn dẹp” thì anh ta sẽ chở cô đó đi ngay để tiếp tục “làm ăn”. Nên phụ nữ bán dâm buộc phải làm việc.
Một mục đích nữa là cứu rỗi cuộc cuộc sống người bán dâm. Qua đó giúp họ tìm gia đình, quê hương, giúp họ tìm việc làm. Những gái mại dâm thường không khai tên thật và quê hương nhưng khi vào trung tâm được nuôi dưỡng, được hỗ trợ tâm lý thì họ sẽ có cảm giác được ân nhân giúp đỡ và rồi họ sẽ khai ra quê quán, gia đình để chúng ta xác minh và đưa về nhà.
Chúng tôi không có ý sẽ giữ những người bán dâm ở lại lâu dài và cụ thể là chỉ trong 3 tháng. Mục đích là để làm sao tìm được gia đình để bàn giao, giúp đỡ họ.
Có một số ý kiến cho rằng, sau khi tiếp nhận và chăm sóc những phụ nữ bán dâm để rồi họ có sức khỏe để ra “đi làm”. Nhưng chúng tôi sẽ giúp họ nhận thức ra việc làm đó là sai và tìm đường tư vấn cho họ tránh những kẻ bảo kê, tránh lặp lại con đường cũ.
- Ông nói đến việc có một“thế lực ngầm”o ép những người bán dâm, vậy làm sao để họ có thể tự nguyện tìm đến sự hỗ trợ của ngành chức năng, thưa ông?
Ông Lê Minh Hùng: Sau này, chúng tôi sẽ có đường dây nóng để những người phụ nữ bán dâm có thể phản ánh. Nếu các chị cảm thấy bị o ép, bức xúc hoặc đến bước đường cùng, không còn đường nào thoát ra thì các chị có thể thông tin đến để chúng tôi hỗ trợ.
Chúng tôi không rình bắt mà giúp các chị biết chỗ để cứu mình và rồi tự tìm đến. Nếu xác minh đúng như lời khai của các chị thì sẽ đem vào các cơ sở xã hội để bảo vệ khẩn cấp. Từ đó, đưa về quê quán và lấy lời khai để đấu tranh với các thế lực “đen”.
Một phần các chị tự nguyện nhưng không loại trừ những trường hợp lộ ra khi đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến tệ nạn xã hội. Trong khi đối tượng bảo kê sẽ bị xử lý thì gái mại dâm sẽ được bảo vệ.
Theo tôi biết thì không bao giờ gái mại dâm hoạt động độc lập, kể cả những địa chỉ bán dâm trên Facebook. Các chị chỉ hoạt động được vài lần chứ những lần đi khách mà giới anh chị biết thì nó “chìa” ra quản lý ngay.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tiếp nhận những gái mại dâm (hành nghề mà không có bất cứ sự cưỡng ép nào) xem mại dâm là một nghề hoặc những gái bán dâm xem trung tâm hỗ trợ là nơi chữa bệnh để sau đó lại tiếp tục “đi làm”.
-Qua đấu tranh, ngành chức năng xác định có bao nhiều người phụ nữ bán dâm, bao nhiêu người phụ nữ bị bảo kê o ép, bắt buộc hoạt động trên địa bàn?
Ông Lê Minh Hùng: Thực ra là rất khó thống kê. Từ khi T.Ư ra Luật Xử lý vi phạm hành chính có đặt rõ vấn đề bán dâm chỉ bị xử phạt tiền và không được đưa vào cơ sở xã hội chữa bệnh và không được giáo dục ở cơ sở xã, phường thì gần như các cơ quan chức năng đã “dạt ra”. Nếu làm thì chỉ ở những điểm nóng, phức tạp.
Xin cảm ơn ông!
Mất gần 1 năm xây dựng văn bản
Ông Lê Minh Hùng cho biết, văn bản đã nêu được xây dựng gần 1 năm với nhiều hội thảo lấy ý kiến mới ban hành. “Các cơ quan hành pháp, tư pháp đồng ý ban hành là cả một quá trình diễn biến tư tưởng. Cũng có người nói thôi thì kệ họ. Nhưng cuộc sống văn minh hơn thì cũng cần nhân đạo hơn. Gái bán dâm cũng là con người và có tình người. Để cho họ bị thế lực đen chèn ép mãi là không được”, ông Hùng nói.
“Mỗi địa phương có mỗi kiểu làm nhưng có lẽ Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong công tác này. Bởi lần này triển khai không phải bằng miêng mà là bằng văn bản hẳn hoi, mang tính chất lâu dài, rõ ràng, công khai và minh bạch. Kèm theo văn bản này sẽ có hưỡng dẫn, cụ thể là lãnh đạo thành phố giao cho Công an và Sở LĐ-TB-XH chủ trì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.