Đại biểu Quốc hội 'hết hồn' với quy định về bổn phận trẻ em

13/11/2015 17:17 GMT+7

(TNO) Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), đọc các quy định về bổn phận trẻ em "thấy hết hồn" vì trẻ giờ nhiều bổn phận quá .

(TNO) Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), đọc các quy định về bổn phận trẻ em "thấy hết hồn" vì trẻ giờ nhiều bổn phận quá.

pham-khanh-phong-lanĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận tại tổ TP.HCM - Ảnh: Ngọc Thắng
“Ngày xưa Bác Hồ dạy: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan. Nhiêu đó là mừng lắm rồi. Đằng này tùm lum bổn phận trong đó còn hơn đoàn viên thanh niên cộng sản nữa”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay 13.11 về dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Theo bà Lan, thay vì những quy định cao xa, luật cần có những chính sách bổ sung trước những vấn đề nhức nhối hiện nay liên quan đến trẻ em như khoảng cách giàu nghèo, trẻ em chưa được đến trường, trẻ bị chăn dắt ăn xin, bán vé số, dụ dỗ vào ma túy, tệ nạn xã hội...
Một vấn đề khác ĐB Lan cho rằng cần quan tâm trong dự luật này là dinh dưỡng trẻ em. Ở nhiều nước, vấn đề cải tạo nòi giống rất được quan tâm, nhưng ở Việt Nam, nhiều vùng nông thôn, trẻ em còn rất còi cọc, gầy yếu, trong khi ở các thành phố, trẻ lại rơi vào tình trạng béo phì.
“Có lẽ cần thành lập khoa sản ở bệnh viện nhi”
Quy định tại dự luật “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” thay vì mười sáu tuổi, theo ĐB Phong Lan, cũng cần xem xét. Bà Lan cho rằng quy định này phải khả thi cũng như phải tương thích các luật khác, ví dụ như luật Hình sự.
“Vi phạm xong rồi mới lôi cớ tôi chưa thành niên như vụ Lê Văn Luyện vừa qua gây nhiều bức xúc cho xã hội”, bà Lan dẫn chứng. Theo ĐB Lan, cần nghiên cứu mô hình tòa trẻ em hay hình thức nào đó chuyển tiếp đối với các tội phạm thuộc độ tuổi này.
Tương tự đối với chăm sóc y tế cũng vậy, ĐB Lan cho rằng quy định trẻ em là dưới 18 tuổi cũng sẽ có những khó khăn nhất định. “Chúng tôi nói đùa nhau là bệnh viện nhi sắp tới phải thành lập khoa sản nếu nâng tuổi trẻ em lên 18”, ĐB Lan nói.
Quy định về “bổn phận của trẻ em” tại dự luật
Điều 38. Bổn phận của trẻ em đối với gia đình
1. Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; lễ phép với người lớn, thương yêu các thành viên trong gia đình.
2. Yêu lao động, giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; giữ gìn vệ sinh cá nhân, rèn luyện thân thể.
3. Gìn giữ nề nếp gia đình; chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha, mẹ và các thành viên trong gia đình.
4. Có trách nhiệm đối với bản thân; sống trung thực, khiêm tốn.
Điều 39. Bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở giáo dục và bạn bè
1. Tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục.
2. Thương yêu, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè.
3. Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục.
4. Thực hiện nội quy, điều lệ; giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở giáo dục.
Điều 40. Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội
1. Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình; thương yêu, giúp đỡ em nhỏ.
2. Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người khác.
3. Thực hiện trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông; giữ gìn của công.
4. Bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Điều 41. Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước
1. Yêu đất nước, quê hương, yêu đồng bào.
2. Góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
3. Chấp hành pháp luật.
4. Tôn trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
5. Đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.