Đại biểu Quốc hội 'thúc' sửa quy định xử cán bộ phạm luật, kể cả về hưu

23/05/2017 15:59 GMT+7

Bức xúc trước tình trạng nhiều dự luật bị chậm tiến độ xảy ra triền miên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Quốc hội xem xét lại quy trình làm luật hiện nay.

Theo ĐB Quyết Tâm, việc xây dựng luật hiện tại chủ yếu được giao cho các bộ, ngành, dẫn đến chương trình làm luật thường xuyên phải điều chỉnh.
“Người dân trông chờ Quốc hội xem xét, thông qua luật này kia nhưng chúng ta làm không đến nơi đến chốn. Đây không chỉ là trách nhiệm Quốc hội mà vấn đề là cách làm luật hiện nay không ổn. Quốc hội không chủ động được nhưng lại không có chế tài cụ thể để xử lý việc làm luật không đảm chất lượng, gây chậm tiến độ”, ĐB Quyết Tâm nói.
Theo ĐB Quyết Tâm, nên xem xét tính toán việc giao một cơ quan chuyên trách trong việc làm luật, áp dụng kinh nghiệm các nước để vận dụng phù hợp tránh tình trạng bị động trong chương trình làm luật.
“Khi một dự luật bị chậm phải phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan của các đơn vị được giao. Trong các nguyên nhân chủ quan phải xem xét động cơ vì sao không hoàn thành tiến độ, có động cơ, lợi ích gì không trong việc trì hoãn đệ trình các dự án luật đã được đặt ra hay không?”, ĐB Quyết Tâm nói.
Theo ĐB Tâm, UB TVQH đã có Nghị quyết 344 giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xem xét trình Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung quy định luật Về cán bộ công chức, viên chức để tạo cơ sở pháp lý xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức viên chức kể cả đã nghỉ hưu hoặc ra khỏi bộ máy.
"Đây là vấn đề có tính ưu tiên, thể hiện sự cấp bách hiện nay do hàng lang pháp lý vừa thiếu vừa không phù hợp với thực tiễn Quốc hội đã giao, nhưng đến giờ không thấy báo cáo quá trình chuẩn bị đến đâu. Trong chương trình làm luật 2017 - 2019 cũng chưa thấy có, vậy đến bao giờ mới có quy định này?”, ĐB Tâm đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết với vai trò cơ quan thẩm định ông thường xuyên nhận các dự án luật không đạt yêu cầu từ các cơ quan Chính phủ được ủy quyền soạn thảo trình lên.
“Nhiều văn bản ngây ngô nhầm lẫn ngôn ngữ của thông tư với nghị quyết, nghị định, dẫn đến lãng phí thời gian tốn kém. Tôi đồng ý quan điểm của ĐB Quyết Tâm, cần có quy định rõ đối với bộ phận làm luật gồm những ai, trình độ thế nào, để đỡ mất thời gian của các ĐBQH ở nghị trường”, ĐB Đức nói.
Cho ý kiến vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủy Quân khu 7, cho rằng việc các dự án luật liên tục bị chậm tiến độ là một biểu hiện của việc kỷ cương, phép nước không được tuân thủ nghiêm túc.
“Ở đâu trên đất nước ta cũng có vấn đề kỷ cương phép nước không ít thì nhiều, từ cán bộ cấp cao, cấp trung đến người dân. Điều này đã mang lại nhiều hệ luỵ. Từ Quốc hội việc tuân thủ pháp luật phải nghiêm túc, phải đặt lý lên trên tình. Phải đặt vấn đề thượng tôn pháp luật là chính”, ĐB Minh Hoàng nói.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng, việc các dự luật được “đưa vào, rút ra” liên tục trong quá trình làm luật đã gây ra lãng phí lớn khiến cử tri, nhân dân bức xúc. Theo ĐB Lộc, phải có quy định chế tài đối với các cơ quan không đảm bảo tiến độ làm luật. 
Bên cạnh đó, hàng năm các đơn vị chủ trì soạn thảo, xây dựng luật phải báo cáo Quốc hội những cơ quan nào còn nợ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn. “ĐBQH hiện đâu có thông tin về việc bộ, ngành nào đang nợ nghị định, thông tư… Phải rà soát kiểm sát chặt chẽ việc triển khai đưa luật và thực tế có hiệu quả hay không”, ĐB Lộc nói.
Phải báo cáo vì sao vẫn trì hoãn luật Về hội?
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, luật về Hội sau khi “suýt” được thông qua đã được giao cho Chính phủ chuẩn bị, nhưng hiện tại không thấy có tên trong chương trình làm luật của Quốc hội năm 2017. ĐB Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo phải báo lại để các ĐBQH có cơ sở trả lời cử tri.
Theo ĐB Nghĩa, trong cuộc gặp mặt các trí thức, chuyên gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đã có rất nhiều ý kiến bức xúc về vấn đề này. “Nếu khó làm quá chúng ta có thể chia thành 3, 4 loại hội khác nhau, như hội nghiên cứu khoa học, hội kinh doanh, hội chính trị. Gộp lại có vẻ khó khăn quá dẫn đến ách tắc như vậy để nhân dân nhìn vào nói thẳng là không ra làm sao cả”, ĐB Nghĩa bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.