Dân ta xả rác - Kỳ 2: Nơi phạt, nơi không

17/07/2012 03:04 GMT+7

Trên thực tế, nhiều địa phương vẫn thờ ơ, lơ là dù quy định và lực lượng cho việc quản lý địa bàn và xử phạt vi phạm không phải là không có.

>> Dân ta xả rác

Theo Sở TN-MT TP.HCM, việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, phóng uế không đúng nơi quy định hiện áp dụng theo Nghị định 150/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng nhiều địa phương vẫn không thực hiện. 

 

Sẽ bổ sung thùng rác công cộng

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết hằng năm TP chi bình quân từ 700 - 800 tỉ đồng cho công tác quét dọn, thu gom và vận chuyển rác. Nhìn chung, khoản chi phí này đã đáp ứng yêu cầu quét dọn và đảm bảo vệ sinh đường phố, lượng rác phát sinh trên địa bàn được thu gom và vận chuyển kịp thời về các khu xử lý tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức về giữ gìn vệ sinh khu vực công cộng, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn nhiều.

Theo thống kê, các quận, huyện đã bố trí khá đầy đủ hệ thống thùng rác công cộng tại các địa phương, nhưng sau một thời gian thì các thùng rác này xuống cấp và bị mất mát. Sở TN-MT sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát và bổ sung lại.

Nhắc nhở là chính

Khi PV Thanh Niên đặt vấn đề về thực trạng xả rác bừa bãi mà PV ghi nhận trên địa bàn phường, ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND P.6 (Q.Tân Bình) giãi bày: “Người dân đâu có ý thức. Khi phường lập tổ kiểm tra liên ngành, gồm bảo vệ dân phố, công an, thanh tra xây dựng... đi kiểm tra, phạt người tiểu tiện không đúng nơi quy định thì họ còn quay lại chửi”. Cũng theo ông Thảo, phía phường cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhưng do lực lượng chưa đến 20 người, không thể tỏa đi canh mấy ông xe ôm, những người vãng lai xả rác để phạt được...

Nói về hành vi đổ nước sinh hoạt tùy tiện của người dân tại hẻm 232 Ngô Quyền, P.8 (Q.10) mà Báo Thanh Niên phản ánh, ông Phan Tấn Phúc, Chủ tịch UBND P.8, thừa nhận: “Thực tế báo phản ánh là đúng. Ở phường lực lượng thanh tra xây dựng phụ trách kiểm tra và xử phạt hành vi xả rác, đổ nước thải không đúng nơi quy định. Nhưng có một thực tế là phường phân công người đứng chốt chặn thì người dân làm tốt, còn lúc lực lượng chức năng đi rồi thì lại tái diễn cảnh đổ nước thải tràn lan mà mình đâu thể đứng đó hoài được”.

Một lãnh đạo phường ở Q.Thủ Đức cho biết chưa hề xử phạt trường hợp nào về hành vi xả rác, phóng uế ở trên địa bàn. Phường chỉ có 1 cán bộ quản lý đô thị kiêm nhiệm vụ theo dõi vấn đề này nên “không thể cắm chốt mãi ở những nơi người dân hay xả rác, phóng uế mà lập biên bản xử phạt được”.

Tương tự, tại Q.7, việc xử phạt được UBND quận giao cho UBND 10 phường trên địa bàn, song theo báo cáo của các phường thì chưa có trường hợp nào bị xử phạt mà chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Ông Huỳnh Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND Q.7 thừa nhận có nhiều tuyến kênh rạch tồn đọng rất nhiều rác nhưng quận chưa xử phạt bất kỳ trường hợp nào vì thiếu lực lượng giám sát thường xuyên và hành vi xả rác thực hiện chủ yếu vào ban đêm nên khó phát hiện...

Dân ta xả rác - Kỳ 2: Nơi phạt, nơi không
Mỗi năm TP.HCM chi bình quân từ 700 - 800 tỉ đồng thu gom rác nhưng rác vẫn vương vãi nhiều nơi - Ảnh: Diệp Đức Minh

Không thể chối bỏ trách nhiệm

Trong khi nhiều nơi còn nhẹ tay hoặc làm ngơ xử phạt hành vi đổ rác bừa bãi, thì UBND P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) căn cứ theo quy định xử phạt hành vi tùy tiện xả rác là 1 triệu đồng/trường hợp; đồng thời tặng giấy khen và thưởng nóng cho người dân phát hiện hành vi vi phạm 200.000 đồng/trường hợp nhằm hạn chế tối đa tình trạng xả rác ra đường...

Ông Võ Thành Hiển, cán bộ môi trường của P.Bình Hưng Hòa A, cho biết phường đã lập 3 số điện thoại nóng và thông báo rộng rãi đến người dân. Khi người dân phát hiện hành vi xả rác bừa bãi thì giữ lại hiện trường và gọi về các số điện thoại nóng để cán bộ phường đến lập biên bản. Tuy nhiên, từ khi triển khai cách làm mới này (từ cuối năm 2011 đến nay), UBND phường mới nhận được 7 tin báo xử phạt. Tại Q.1, vấn đề xử phạt về vệ sinh môi trường thời gian qua cũng được triển khai khá quyết liệt với hơn 5.000 trường hợp bị phạt tiền (tổng cộng hơn 470 triệu đồng) tính từ đầu năm 2011 đến nay.

Đại biểu HĐND TP.HCM Võ Văn Sen cho rằng, hiện nhiều nơi chưa thật sự quan tâm lắm đến vấn đề văn minh, mỹ quan đô thị, môi trường. Cách quản lý cũng theo kiểu nơi làm nơi không.

Tôi có ý kiến:

ĐẶNG AN NINH

Do ý thức của một số người dân còn quá kém, vì vậy cần phải giáo dục cho mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là đối với lớp trẻ.

ĐẶNG AN NINH
(P.4, Q.4, TP.HCM)

 

 

 

BÙI THỊ MINH TRANG

Cần có quy định xử phạt thật nghiêm khắc những trường hợp đổ rác bừa bãi. Cũng giống như vấn đề đội mũ bảo hiểm lúc trước, do tăng cường xử phạt nên đến nay mọi người đều chấp hành tốt. Tôi nghĩ việc xả rác cũng vậy.

BÙI THỊ MINH TRANG
(Sinh viên Đại học Sài Gòn, TP.HCM)

 

 

NGUYỄN THỊ TÚ NHI

Ngoài việc xử phạt, nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời việc xả rác. Nếu không, dù có xử phạt thì người thiếu ý thức vẫn có thể xả rác lén lút.

NGUYỄN THỊ TÚ NHI
(Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM)

Hải Nam
(thực hiện)

Đình Phú - Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.