Dân 'xẻ thịt' đất thịt đem đi bán

17/09/2017 16:13 GMT+7

Thời gian qua, một số hộ đào đất mặt ở khu vực Khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, H.Cái Nước (Cà Mau) bán. Thậm chí một số người còn dự trữ đất thịt bán với khối lượng lớn ngay QL1A.

Hơn 59.000 m3 đất thịt bị đào múc
Chiều 14.9, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, xác nhận với PV Thanh Niên về tình trạng người dân của xã đào đất thịt đem bán.
“Qua kiểm tra, phát hiện hai người ngụ ở xã khác nhưng có đất ở xã Lương Thế Trân có hành vi bán đất thịt. Chúng tôi tiến hành lập biên bản vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi người là 3 triệu đồng về hành vi trên, đồng thời bắt ký cam kết không tái diễn”, ông Văn cho biết.

tin liên quan

“Xẻ thịt” rừng phòng hộ đặc dụng thủ đô
Cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện hàng trăm trường hợp mua bán, chuyển nhượng trái phép trên đất rừng phòng hộ đặc dụng của Hà Nội từ nhiều năm trước. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Theo ông Văn, 2 chủ đất bị phạt là Nguyễn Thanh Trường (ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, H.Cái Nước) và Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Lý Văn Lâm).
“Mỗi xe tải đất được bán với giá 500.000 đồng. Còn chủ đất bán giá bao nhiêu, hợp đồng ra sao chúng tôi không biết được. Nhưng có thể là họ bán khoán diện tích cho đầu mối. Có thể do giá cát lên cao, người dân chuyển sang mua đất để san lấp”, ông Văn thông tin thêm.
Xe cuốc để múc đất còn nằm ở hiện trường điểm ấp Hòa Trung Ảnh: Gia Bách
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau, trên địa bàn xã Lương Thế Trân có 2 điểm bán đất mặt, đất thịt. Điểm thứ nhất trên trục đường từ cầu Lương Thế Trân đi H.Đầm Dơi, cách cầu này khoảng 2,5 km. Hiện trạng đất đang bị đào múc, khai thác đất với khối lượng khoảng 9.000 m3, diện tích khai thác gần 0,5 ha.
Điểm thứ hai nằm ngay QL1A, cách cầu Lương Thế Trân khoảng 400 m về hướng H.Cái Nước, ngay quy hoạch đường vào KCN Hòa Trung. Hiện trạng bị đào múc với khối lượng 50.000 m3, diện tích khai thác hơn 1,5 ha.
“Đây là diện tích nằm trong quy hoạch KCN Hòa Trung, nhưng nay đã thu hồi quyết định quy hoạch. Người dân chỉ được phép giao dịch buôn bán, chứ không được xây cất”, ông Văn cho biết.
Cách UBND xã Lương Thế Trân khoảng 1,5 km về hướng cầu Lương Thế Trân lại có điểm tập kết bùn thải từ nơi khác chuyển đến với khối lượng khoảng 70.000 m3, nhằm mục địch dự trữ bán, có treo biển và số điện thoại liên hệ. Việc này, ông Văn cho biết đang theo dõi điểm tập kết đất này, nếu họ có buôn bán thì sẽ lập biên bản xử lý.
Điểm bán đất ở ấp Hòa Trung hiện trạng là những hố nước sâu Ảnh: Gia Bách
Kiên quyết xử lý và báo cáo về Sở TN-MT trước ngày 22.9 
Cũng trong chiều 14.9, khi PV Thanh Niên đến điểm ấp Hòa Trung thì phát hiện 1 xe tải “ăn” đất xong chạy đi, phía cuối “công trường” bán đất này có 1 chiếc xe cuốc đang đậu và 1 máy bơm nước đang hoạt động. Xung quanh là những hố nước, đất bị đào xới.
Khi chúng tôi hỏi chuyện với người dân sống gần khu vực thì có người phụ nữ đến hỏi “lý lịch” chúng tôi, đồng thời gọi điện thông báo "có người đến quay phim".
Hơn 30 phút sau, khi đến điểm thứ 2 nằm ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, PV Thanh Niên ghi nhận "công trường bán đất" này quy mô hơn. Đường cho xe tải chạy vào chở đất được trải ni lon. Hiện trường còn 3 xe cuốc và cũng giống ở điểm kia, cuối “công trường” bán đất cũng có 1 máy bơm nước đang hoạt động. Chưa hết, cạnh QL1A là đống đất dự trữ.
Một người dân cạnh đó cho biết đây là điểm bán đất của người tên T. và đọc cho PV số điện thoại của người này.
Theo quan sát của chúng tôi, cả hai điểm trên đều có những hố sâu hơn 1 m vì đất thịt bị đào bới, lấy đi. Theo lời một người dân ở ấp Hòa Trung thì hiện trên địa bàn ấp có nhiều người bán đất mặt, chứ không chỉ hai điểm trên.
Điểm bán đất mặt ở ấp Năm Đảm được trải ni lông để xe tải dễ dàng vận chuyển đất Ảnh: Gia Bách
Ông Văn cũng thừa nhận thực trạng người dân vẫn lén lút bán đất thịt. Thường việc đào, chở đất diễn ra vào ban đêm hay ngày nghỉ của tuần nên cũng khó cho lực lượng làm nhiệm vụ. Chủ đất thì ở nơi khác, còn việc dừng xe tải kiểm tra thì lực lượng xã lại không có thẩm quyền.
Hố nước sâu sau khi đất được lấy đi rộng gần cả ha Ảnh: Gia Bách
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua, tình trạng người dân tự ý khai thác lớp đất mặt bằng nhiều hình thức khác nhau để kinh doanh san lấp mặt bằng diễn ra khá phức tạp ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển, Cái Nước, TP.Cà Mau.
Việc khai thác thác trái phép tài nguyên đất sẽ làm thay đổi địa hình, thay đổi cốt nền đất tự nhiên, phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực khai thác và gây bức xúc trong dân.
Sở này đã đề nghị UBND H.Cái Nước phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế kiểm tra, xử lý tình trạng đào múc, khai thác, tập kết, bán trái phép đất thời gian qua trên địa bàn, đồng thời gửi kết quả xử lý trước ngày 22.9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.