Đánh giày kiểu du côn

26/08/2016 10:00 GMT+7

Khách nước ngoài ai cũng ngán ngẩm với nhóm đánh giày gồm hàng chục tên thường xuất hiện tại các địa điểm ở trung tâm Sài Gòn.

Chúng đeo bám, chặn ép khách đánh giày rồi “chém đẹp” tiền du khách giữa thanh thiên bạch nhật khiến môi trường du lịch bị vẩn đục...
Hằng ngày, nhóm đánh giày rảo khắp các tuyến đường khu trung tâm Sài Gòn, nhưng địa bàn chính là ở chợ Bến Thành và công viên 23.9 (Q.1). Do nhóm có đông thành viên, nên bọn chúng vừa làm vừa cắt cử người canh me lực lượng chức năng để đối phó.
Quẹt quẹt vài cái, đòi tiền triệu!
Trưa 11.8, hai vị khách một nam, một nữ người nước ngoài đang đi trên đường Trương Định, P.Bến Thành, Q.1, thì một nam thanh niên mặc áo ca rô xanh, cao khoảng 1,65 m xách thùng gỗ đựng đồ nghề đánh giày nhảy vọt tới, ngồi bệt xuống đất xịt túi bụi vào chân người đàn ông. Vị khách hốt hoảng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết dùng tay đẩy nam thanh niên kia ra. Không bỏ cuộc, người đánh giày tiếp tục đeo bám dai dẳng, lê lết dưới chân vị khách khiến ông này tuyệt vọng, phải đứng yên, trong khi người nữ đi cùng sợ hãi bỏ chạy cách một đoạn khá xa. Sau vài chục giây xịt, quẹt vào giày của khách, người đánh giày đứng dậy đòi tiền công và gặp phải sự phản ứng dữ dội từ vị khách...
Khoảng 16 giờ 30 ngày 11.8, một người đàn ông nước ngoài chuẩn bị băng qua đường đoạn thuộc ngã tư Lê Lai - Phạm Hồng Thái (Q.1) thì một thanh niên đánh giày bám theo chèo kéo, khiến ông này phải vừa lo nhìn xe cộ, vừa né người đánh giày cầm bàn chải chà chà dưới chân. Người qua đường và du khách khác nhìn thấy cảnh này, ai cũng lắc đầu!
Trước đó, 14 giờ cùng ngày, một tên đánh giày phục ngay trước cửa hàng trên đường Lê Lai, tên còn lại trong nhóm ngồi núp sau chậu cây kiểng phía đối diện trong công viên 23.9 để chờ tiếp ứng. Theo quan sát của chúng tôi, nhóm đánh giày này thường chọn những du khách đi lẻ hoặc ít người để tấn công. Khi du khách lọt vào công viên 23.9 thì chúng hành xử rất manh động, lao ra chặn đường và có hành vi đe dọa; còn khách ở ngoài đường, người dân đông đúc thì chúng chỉ cắm cúi xịt, chà chà vào chân khách rồi vòi vĩnh tiền...
Khoảng 14 giờ chiều 12.8, 3 phụ nữ nước ngoài đang chụp hình “tự sướng” trong khuôn viên công viên 23.9. Ai nấy cười rạng rỡ. Nhưng những nụ cười ấy nhanh chóng tắt lịm khi một thanh niên đánh giày lao tới, ngồi thụp xuống, tay nhanh nhảu dùng bàn chải chà chà lên đôi dép của một vị khách nữ. Cùng lúc đó một tên cùng nhóm chạy lại “tiếp ứng”. Thao tác chưa đầy 30 giây, hai thanh niên đánh giày buộc 3 khách du lịch trả 200.000 đồng. Với vẻ mặt sợ sệt, 3 nữ du khách vội vã đưa tiền rồi nhanh chóng bước đi. Nhưng hai thanh niên đánh giày vẫn chưa buông tha, tiếp tục bám theo vòi vĩnh thêm tiền, khiến 3 du khách vừa đi như chạy, vừa ngoái đầu nhìn lại đề phòng.
Cùng thời điểm, hai khách nước ngoài khác đang ngồi hóng mát trong công viên 23.9 thì hai tên trong nhóm đánh giày sà tới, lấy đồ nghề ra rồi điềm nhiên... quẹt quẹt, chà chà giày của khách. Người khách sau những giây bất ngờ cũng tỏ ra niềm nở và vui vẻ cười nói. Nhưng nụ cười ấy vụt tắt, gương mặt chuyển qua hoảng hốt khi bị 2 người “không mời mà đến” đòi 1 triệu đồng và liên tục đòi thêm, đưa tờ tiền nào trả cũng bị chối từ. Trắng trợn hơn, hai tên này tay thì chỉ trỏ vào mặt đe dọa, tay còn lại sờ sờ vào túi quần khách tìm tiền. Quá sợ hãi, vị khách phải rút thêm tiền trả rồi tức giận bỏ đi.
“Mày phải canh, chọn khách đi lẻ mà ra tay”
Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhóm đánh giày có khoảng 15 người, đều quê tỉnh Thanh Hóa. Hằng ngày, nhóm hoạt động khoảng từ 8 giờ sáng đến 17 giờ thì ra về. Chúng đón xe buýt số 149, tuyến công viên 23.9 - khu dân cư Bình Hưng Hòa B, đến đường Trương Định (Q.3) thì xuống xe và đi bộ về khu nhà trọ nằm trên đường Hoàng Sa, P.9, Q.3.
Để hiểu rõ hơn những mánh khóe trấn lột du khách, chúng tôi tìm cách làm quen, nhập bọn. “Giờ mày muốn làm thì làm, nhưng nói trước làm nghề này dễ bị công an bắt đó, phải cẩn thận. Ngày mai mày mua bàn chải, một hộp xi đen, một hộp xi nâu rồi có gì ra đây đi làm luôn. Nghề này chả cần học gì”, một thành viên trong nhóm đánh giày hướng dẫn.
Những hôm sau, chúng tôi mang bộ đồ nghề theo chân nhóm đánh giày rảo khắp các tuyến đường khu vực trung tâm TP, để chứng kiến và bí mật ghi hình chúng “làm ăn”. Lúc mệt mỏi, nhóm này tập trung về công viên 23.9 để nghỉ chân, hút thuốc lào và khoe “chiến tích”.
Cả nhóm thuê trọ trên đường Hoàng Sa, P.9, Q.3 để hành nghề
Cả nhóm thuê trọ trên đường Hoàng Sa, P.9, Q.3 để hành nghề
Một thành viên sau khi rít điếu thuốc lào, khoe “Sáng giờ được 2 triệu rồi”. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt thán phục, người này giảng giải: “Mày phải canh, chọn khách đi lẻ mà ra tay. Tốt nhất là đi hai đứa, khi một đứa “dụ” đứa kia canh chừng. Nếu thấy được khách thì đứa còn lại phải tới ngay, mỗi người đánh một chiếc. Xong, khách phải trả tiền công cho hai”. Rồi cả đám cười nói rôm rả, kể lại lúc cự cãi, kiếm chác và thủ đoạn “chém đẹp” tiền của khách. “Bữa đó tao đánh đôi giày ở đây chứ mô. Bữa đó đúng ra đánh đôi giày 1,3 triệu. Mà biết sao ổng phản ứng lại không? Tại bữa đó có mình tao thôi. Thằng “Bi bẹc giê” lại xin tiếp nên ổng mới bực, còn kêu đòi bắt, đòi bắt nữa chứ!”, một thành viên khác góp chuyện.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở khu vực trung tâm luôn có những lực lượng hỗ trợ du khách. Tuy nhiên, do nhóm đánh giày du côn luôn phân công nhau cảnh giới, chọn thời điểm ít người để ra tay nên chúng vẫn tồn tại thời gian dài. Trong khi đó, không ít trường hợp người dân chứng kiến hành vi chèn ép, “chém đẹp” tiền du khách nước ngoài giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không dám lên tiếng vì sợ vạ lây...
Đã xử lý hơn 2.500 vụ “tấn công” du khách
Chiều 25.8, trả lời Thanh Niên, bà Đinh Tố Hoa, Phó chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, thừa nhận thời gian qua trên địa bàn TP có tình trạng du khách bị “tấn công” bởi những người bán hàng rong, đánh giày dạo. Đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch thân thiện mà TP đang cố gắng xây dựng, duy trì. Bà Hoa cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.506 trường hợp hàng rong chèo kéo du khách, ép mua hàng với giá cao.
“Tinh thần của Sở là xử lý nghiêm tình trạng hàng rong, đánh giày dạo “tấn công” du khách, để đảm bảo an toàn, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện cho khách khi đến TP. Sở đã có kế hoạch phối hợp với lực lượng trật tự đô thị, thanh niên xung phong trong quá trình tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ du khách sẽ tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý. Riêng lực lượng trật tự đô thị các quận, huyện, đặc biệt là các quận trung tâm như Q.1, Q.3... đều có trang bị camera ghi hình. Những hình ảnh này sẽ làm căn cứ xử lý các cá nhân vi phạm”, bà Hoa nói. Còn ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Q.1, khẳng định: "Ngay hôm nay quận sẽ tăng cường các đội trật tự đô thị ở các điểm thường xuyên có đông du khách đến tham quan để ngăn chặn, xử lý triệt để". (Tân Phú)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.