Sự cố sập cầu Ghềnh - cầu đường sắt độc đạo bắc - nam, gây ra nhiều
hệ lụy không chỉ cho hàng triệu hành khách mà còn gây thiệt hại chưa
từng có cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường sắt.
Khách phải đi xe trung chuyển từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa -
Ảnh: Diệp Đức Minh |
Sự cố sập cầu Ghềnh - cầu đường sắt độc đạo bắc - nam, gây ra nhiều hệ lụy không chỉ cho hàng triệu hành khách mà còn gây thiệt hại chưa từng có cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường sắt.
Xếp hàng trả vé
Ngày 21.3, có mặt tại ga Sài Gòn vào buổi trưa nắng gắt nhưng vẫn có hàng trăm người đến trả vé tàu đã mua trước đó, dù ngành đường sắt đã bố trí xe buýt trung chuyển đi ga Biên Hòa. Ông Nguyễn Văn Nhơn (65 tuổi) cho biết: “Tôi đã mua vé tàu đi Nha Trang lúc 22 giờ. Thế nhưng do phải đi xe trung chuyển xuống ga Biên Hòa với đoạn đường 30 km trong khi tuổi cao sức yếu nên quyết định trả vé để chuyển sang đi máy bay”. Anh Nguyễn Hữu Minh, một hành khách đã mua vé đi Phan Thiết tối 21.3, cũng cho biết do đi xe trung chuyển xuống ga Biên Hòa mất cả tiếng đồng hồ nên trả vé để mua vé xe khách giường nằm.
Đa số hành khách trả vé là người lớn tuổi, người sức khỏe và thị lực kém, phụ nữ đi kèm trẻ em.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết bình thường mỗi ngày ngành đường sắt chạy 9 đôi tàu. Riêng tại ga Sài Gòn mỗi ngày có khoảng 2.500 hành khách khởi hành. Sự cố sập cầu Ghềnh buộc ngành đường sắt phải tổ chức chuyển khách bằng ô tô từ Sài Gòn đi Biên Hòa và ngược lại. Ngày 20.3 có khoảng 1.500 hành khách được chuyển bằng ô tô từ Biên Hòa về Sài Gòn, hơn 1.000 hành khách được chuyển từ Sài Gòn đi Biên Hòa. Trong ngày 21.3, có khoảng 918 hành khách được chuyển tải từ Sài Gòn đi Biên Hòa. “Tất cả cán bộ, nhân viên ngành đường sắt đang cố hết sức để phục vụ hành khách tốt nhất. Tuy nhiên, việc chuyển khách bằng ô tô không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe và bất tiện cho hành khách”, ông Văn nhìn nhận và cho biết thêm: “Đối với hành lý của khách đã ký gửi trước thời điểm sập cầu, kể cả hành lý ký gửi hướng Hà Nội - Sài Gòn đang kẹt dọc đường, chúng tôi sẽ cố gắng đưa về ga Sài Gòn bằng ô tô để trả lại cho hành khách. Từ ngày 23.3, tàu hỏa sẽ tiếp tục nhận hành lý ký gửi của khách, sau đó trung chuyển lên Biên Hòa rồi xếp vào tàu để tiếp tục hành trình”.
Dọn dẹp các tuyến đường trước ga Biên Hòa - Ảnh: Lê Lâm
|
Nhưng không chỉ hành khách khổ, nhiều doanh nghiệp sử dụng vận tải bằng đường tàu cũng đang thiệt hại lớn. Ông Lê Văn Hà, đại diện Công ty CP Hợp Nhất - doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường sắt tại ga Sóng Thần, cho biết sự cố sập cầu Ghềnh đã gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay với công ty ông. Doanh nghiệp phải đi thuê tàu thủy để tăng bo, xe tải trên đường bộ, huy động toàn bộ nhân viên để chuyển hàng hóa tại các ga Trảng Bom, Hố Nai đến những kho hàng mà khách hàng yêu cầu. Tính sơ bộ công ty tốn kém 30 - 40 triệu đồng/ngày. Thiệt hại lớn hơn nữa, theo ông Hà, là các doanh nghiệp buộc phải thay đổi năng lực sản xuất, quãng đường di chuyển, tốn kém thời gian…
Ngoài ra, việc trung chuyển khách, hàng hóa cũng đè nặng áp lực lên đường bộ, nhất là an toàn giao thông các trục đường quanh ga Sài Gòn, Biên Hòa, Hố Nai…
Giảm tàu Hà Nội - Sài Gòn
Trong khi đó, ngành đường sắt cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh giờ chạy tàu trong thời gian sắp tới do cầu Ghềnh không lưu thông được. Theo lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN, từ chiều 21.3 ngành đường sắt đã công bố phương án kinh doanh trong điều kiện mới đến khi khôi phục xong cầu Ghềnh. Trong đó, giảm 2 đôi tàu Thống Nhất chạy chuyển tải Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại. Về phương án trung chuyển hành khách không dùng ô tô mà dùng tàu chở khách từ ga Sài Gòn lên ga Sóng Thần (Bình Dương) rồi vận chuyển ô tô đến ga Biên Hòa. Đối với tàu hàng sẽ dỡ hàng ở ga Hố Nai. Tuy nhiên, hiện tại năng lực tại ga này chỉ được 2 đôi tàu, trong khi nhu cầu cần dỡ hàng là 7 đôi tàu. Vì vậy, các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ chủ động thông báo và trao đổi với khách hàng tìm phương án trả hàng sớm nhất, không để đọng việc xếp dỡ…
Với những điều chỉnh trên, ga Biên Hòa trở thành ga cuối để tổ chức phục vụ nên phải điều chỉnh rất nhiều thứ như: bơm nước, bơm dầu, thay thế chăn drap gối nệm, đưa tiễn khách… Sáng 21.3, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đã khẩn trương dọn dẹp, làm thông thoáng đường vào ga Biên Hòa (đường Hưng Đạo Vương thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) để việc đưa đón hành khách được thuận lợi, an toàn. Công an TP.Biên Hòa bố trí lực lượng cảnh sát trật tự, CSGT túc trực 24/24 để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự trước cổng ga. Ga Biên Hòa cho biết sẽ lắp thêm hệ thống camera để giám sát theo dõi…
Chốt phương án khắc phục cầu Ghềnh trước ngày 24.3
Chiều 21.3, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai họp bàn phương án khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh. Ba phương án đã được Tổng công ty đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT phê duyệt, gồm: phương án 1 tập trung khôi phục 110 m đoạn cầu bị sập; để thực hiện sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm định trụ T2 và T3, tuy nhiên phải hơn 20 ngày mới có kết quả kiểm định.
Phương án 2 thay mới cả 3 nhịp, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu, nếu quyết định sẽ triển khai ngay sản xuất thép trong vòng 2 - 3 tháng thì xong, đồng thời làm mới 2 mố trụ bằng bê tông cốt thép.
Phương án 3 khôi phục nguyên trạng, làm mới toàn bộ.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt trong việc khắc phục sự cố, trong đó TP.Biên Hòa và Sở GTVT rà soát kỹ phương án cho tàu qua luồng sông Cái. Về luồng lạch ở khu vực này lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT cho phép nạo vét đảm bảo việc chạy tàu vì hiện tại có đá ngầm.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu trước 24.3 Tổng công ty đường sắt VN phải chốt được phương án cuối cùng, đồng thời chủ động về kỹ thuật, huy động nhân lực để thực hiện việc điều chỉnh chạy tàu phù hợp. Đối với việc khảo sát, Thứ trưởng Đông yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để dựng lên hình 3D; từ đó xác định phương án tháo dỡ phù hợp, đảm bảo an toàn và báo cáo kết quả cho Bộ GTVT trong ngày 22.3. Xuân Đức
|
Bình luận (0)