|
Lên tới 60% chi phí
Theo các công ty lữ hành, chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu lửa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành một chương trình du lịch. Đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe cộ, chi phí này vào khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% nếu tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, tỷ lệ ở mức 20 - 25%.
Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết giá thuê xe 45 chỗ đi Nha Trang 4 ngày là 15 triệu đồng, chưa tính thuế GTGT; đi Phan Thiết 2 ngày khoảng 8 triệu đồng; đi nội thành 1 ngày là 3 triệu đồng... Tính ra mỗi ngày phải trả tiền thuê xe từ 3 - 4 triệu đồng. Trong khi ở Thái Lan, các công ty du lịch chỉ trả tiền xăng dầu cho 1 xe 45 chỗ, chừng 1.500 baht Thái (khoảng 1 triệu đồng). Tiền thuê “xác xe” hoàn toàn miễn phí, do được các điểm mua sắm tài trợ với điều kiện đưa khách vào đây trong hành trình. Ở Thái Lan, các dịch vụ vận chuyển như taxi, xe tuk-tuk cũng có giá rất rẻ, bằng phân nửa ở VN. Còn ở Campuchia, giá xăng dầu cao hơn nhưng giá thuê xe lại rẻ hơn ở ta, vì thuế nhập khẩu xe thấp hơn VN. Giá thuê xe lộ trình gần thì vào khoảng 45 - 55 USD/xe 45 chỗ/ngày.
|
Đối với vé máy bay, bà Phạm Kim Nhung, Giám đốc Công ty du lịch One Travel, cho biết từ TP.HCM đi Đà Nẵng hoặc Hà Nội so với giá vé từ đây đi Bangkok có sự chênh lệch rất lớn. Thậm chí, giá vé 2 chiều từ TP.HCM đi Hà Nội gần bằng một tour trọn gói cho khách Việt đi chơi Thái Lan 5 ngày 4 đêm. Cụ thể, tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm ở khách sạn 3 sao, giá trung bình phổ biến hiện nay của các hãng lữ hành ở TP.HCM là 7,1 triệu đồng; tour Singapore 4 ngày 3 đêm 9,6 triệu đồng và tour Campuchia (đi xe, 4 ngày 3 đêm) giá chỉ 2,7 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng với giá vé máy bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Đà Nẵng 2 chiều đã 4,4 triệu đồng; đi Hà Nội 6 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, nhận xét giá vé máy bay nội địa ở VN cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. “Giá thuê xe cũng rất cao. Trước đây, chúng tôi làm nhiều tour xuyên Việt đường bộ nhưng sau này giá thuê xe tăng cao nên chuyển hết qua đi máy bay. Giá xe chúng tôi buộc phải tính chung trong giá tour, không tách ra như vé máy bay, nên khi giá thuê xe tăng lên thì không thể đàm phán lại với đối tác và đành chịu thiệt”, ông Du kể.
Chảy máu ngoại tệ
Bà Ung Phương Dung, Giám đốc Công ty du lịch Indochina, cho rằng giá vận chuyển ở VN quá đắt đã ảnh hưởng lớn đến sức hút của ngành du lịch. Các hãng lữ hành thường xuyên bị động trước sự tăng giá vé của hàng không. Vì thế, khi báo giá với đối tác nước ngoài, phải để trống chi phí vé máy bay, phòng ngừa trường hợp hàng không bất ngờ tăng giá. Nếu báo giá tour bao gồm giá vé máy bay thế nào cũng bị lỗ, bởi bán tour cho khách nước ngoài thông thường trước 1 năm.
Theo các doanh nghiệp làm du lịch ở VN, vận chuyển là khâu bị khách phàn nàn nhiều nhất. Vé máy bay tăng giá bất thường; đặt chỗ khó, nhất là vào thời điểm cuối năm cũng là mùa cao điểm khách quốc tế... Công ty du lịch mất nhiều thời gian, công sức cho khâu vận chuyển. Vì thế, ngành du lịch phải kết hợp với nhiều ngành khác kéo giảm giá vận chuyển xuống, đặc biệt là giá vé máy bay. “Các nước trong khu vực làm tốt điều này, và doanh thu từ những dịch vụ như mua sắm, vui chơi giải trí được dùng để bù đắp cho khoản tiền giảm giá vé máy bay”, ông Du nói. Du lịch VN vốn đã kém sức cạnh tranh hơn những nước trong khu vực về dịch vụ, vui chơi giải trí..., nếu lại yếu thế hơn trong cạnh tranh về giá, thì không chỉ mất khách nước ngoài mà còn mất cả khách trong nước.
Tại một hội thảo về du lịch diễn ra vào tháng 6.2012, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết một con số khủng khiếp: Mỗi năm ước tính có khoảng 2 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài và chi tiêu 2 tỉ USD.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)