'Đất nước lâm nguy không lẽ phải huy động cả trẻ em'

23/03/2016 19:22 GMT+7

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, nếu điều chỉnh tuổi trẻ em từ 16 như hiện nay lên dưới 18 tuổi sẽ xảy ra hàng loạt bất cập.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, nếu điều chỉnh tuổi trẻ em từ 16 như hiện nay lên dưới 18 tuổi sẽ xảy ra hàng loạt bất cập.

pham-khanh-phong-lanĐại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên họp toàn thể ở nghị trường - Ảnh Ngọc Thắng
Chiều nay (23.3), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Qua thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình quy định nâng tuổi trẻ em từ 16 hiện nay lên 18 tuổi như dự luật sửa đổi. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc dự thảo luật điều chỉnh tuổi trẻ em từ 16 hiện nay lên 18 tuổi là “đi ngược lại với xu thế, bắt thanh niên phải quay về với thân phận trẻ em” và gặp rất nhiều điều lợi bất cập hại.
Ông Nghĩa phân tích: Công ước quyền trẻ em có hiệu lực năm 1990 (26 năm về trước) đã nêu rõ  trẻ em dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn. "Như vậy, nếu quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 - 18 tuổi không còn là trẻ em nữa thì không hề vi phạm công ước này", ông Nghĩa khẳng định, và nhắc lại, hơn nửa thế kỷ qua, VN quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 - 18 tuổi là chưa thành niên, từ 18 trở lên là thành niên. Tất cả luật pháp của chúng ta xây dựng con người về mặt tuổi được phân chia 3 loại: Trẻ em, chưa thành niên và thành niên.
Việc quy định như dự luật theo cách diễn giải của ông Nghĩa, là đi ngược lại với xu thế chung trên thế giới và xu hướng trẻ em ngày càng trưởng thành nhanh hơn trước. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy, như nâng tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em so với hiện hành; chưa kể ảnh hưởng đến một loạt quyền dân sự khác của trẻ em như vấn đề kết hôn, tội phạm, tội giao cấu với trẻ em... 
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng giải trình của các bộ ngành cho rằng luật không xung đột với pháp luật hiện hành là không thuyết phục. “Rất nhiều vấn đề như nạn tảo hôn, tại các vùng miền núi, vùng cao kết hôn từ rất sớm, nếu quy định như thế sẽ không giải quyết được nạn tảo hôn. Đối với luật Nghĩa vụ quân sự, trong trường hợp đất nước ta lâm nguy phải tổng động viên thì không lẽ chúng ta huy động cả trẻ em? Ngoài ra trẻ em có thể yêu nhau, xâm hại cũng là phạm luật thì chính sách xử lý cực kỳ rắc rối”, bà Lan nói.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể; không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.