Đây là quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu ra trước Quốc hội trong phiên họp chiều nay 20.10 trước đề xuất của Chính phủ trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Chính phủ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỉ đồng, bao gồm cả 260 nghìn tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ, trong đó ngân sách T.Ư là 1,12 triệu tỉ đồng, đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu đầu tư.
Dự kiến phương án phân bổ chi tiết 2 triệu tỉ này được Chính phủ cho biết gồm: 72.817 tỉ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; 38.916,47 tỉ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội.
Chính phủ cũng dự kiến 7 nghìn tỉ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; 7,3 nghìn tỉ hỗ trợ nhà ở cho người có công: 7,3 nghìn tỉ đồng, 10 nghìn tỉ cho dự án chống ngập TP.HCM; 20 nghìn tỉ đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối…
Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 200 nghìn tỉ đồng được Bộ trưởng Dũng cho biết dự kiến sẽ phân bổ 121.150 tỉ đồng cho ngành giao thông trong đó có 75 nghìn tỉ đồng cho Bộ Giao thông vận tải; 5,53 nghìn tỉ đồng cho Bộ Quốc phòng (phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông 1,53 nghìn tỉ đồng và dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn hai 4 nghìn tỉ đồng).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến phân bổ 41,8 nghìn tỉ cho ngành thủy lợi; 14,54 nghìn tỉ cho ngành y tế; 1,1 nghìn tỉ đồng cho dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La; 6 nghìn tỉ đồng cho chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo, tiểu học…
|
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết có một số ý kiến cho rằng, tổng mức vốn dự kiến trên là khá cao so với thực lực ngân sách nhà nước hiện nay, tiềm ẩn những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với an toàn nợ công và mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước đến 2020 dưới 4% GDP.
Đánh giá định hướng đầu tư theo ngành, lĩnh vực của Chính phủ, báo cáo thẩm tra cho rằng định hướng này còn dàn trải. Qua giám sát, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỉ trọng tương đối lớn.
Hơn thế nữa theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 cho lĩnh vực này cũng khá cao so với các lĩnh vực khác trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị BCHTW lần thứ 7 Khóa 10; vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn chế.
tin liên quan
Lo ‘vỡ’ ngân sách nếu xây đường bộ cao tốc bắc - namBộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ GTVT, bày tỏ lo ngại về cơ chế huy động vốn trong Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam, đoạn Hà Nội - TP.HCM đến năm 2020.
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.
Đối với một số dự án trọng điểm, nguồn lực đầu tư lớn như dự án đường cao tốc Bắc-Nam (tuyến phía Đông), Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực, đúng thẩm quyền theo luật Đầu tư công, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với dự án này tại kỳ họp gần nhất.
Về một số dự án khác như: dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, dự án chống ngập TP.HCM, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chí dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
“Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là dự án trọng điểm quốc gia theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với từng dự án”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Bình luận (0)