ĐBQH đề nghị: Thủ tướng, Bộ trưởng không được ủy quyền trả lời chất vấn

21/10/2015 16:34 GMT+7

(TNO) Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề xuất như vậy tại phiên thảo luận dự luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều nay 21.10.

(TNO) Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề xuất như vậy tại phiên thảo luận dự luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều nay 21.10.

huynh-nghiaĐại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại phiên thảo luận về dự luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chiều nay 21.10, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa dẫn điều 49 luật Tổ chức Quốc hội, Điều 41 luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) hiện hành, trong đó quy định những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể, và cho biết: Trên thực tế, các kỳ họp Quốc hội và HĐND vừa qua, có nhiều đại biểu chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch UBND, nhưng người trả lời chất vấn thường là Phó thủ tướng, Phó chủ tịch UBND.
Mặc dù nhấn mạnh việc ủy quyền này không có gì sai, do pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội và HĐND, nhưng ông Huỳnh Nghĩa vẫn đề nghị khi các ĐBQH, đại biểu HĐND khi chất vấn chức danh nào, chức danh đó phải trực tiếp trả lời.
“Vì đại biểu là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn vấn đề chất vấn được chính chức danh đó trả lời nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra những giải pháp tối ưu để quản lý, điều hành đất nước, ngành mình, địa phương mình phát triển tốt hơn”, ông Huỳnh Nghĩa lý giải.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng cần quy định rõ vấn đề này trong dự luật theo hướng: "Các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn".
Giám sát chuyên đề vẫn “cưỡi ngựa xem hoa”
Vẫn theo ĐBQH Huỳnh Nghĩa, hoạt động giám sát chuyên đề đối với những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương thời gian qua được Quốc hội, HĐND thực hiện đã có nhiều tiến triển, đạt nhiều kết quả nhất định, đem lại lòng tin cho nhân dân.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cho rằng nếu xem xét một cách toàn diện thì hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát này chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. “Một số cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và HĐND vẫn còn tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, chưa đi sâu, đi sát để nắm tình hình, chưa đánh giá đúng thực trạng, để có kết luận chính xác”, ông Nghĩa nói.
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng nêu thực tế: mặc dù tại các nghị quyết, quyết định thành lập Đoàn giám sát có đầy đủ thành phần, nhưng khi đến làm việc tại các địa phương thì chỉ có vài đại biểu. “Thời gian làm việc rất hạn chế, chỉ gói gọn trong một ngày, thậm chí có khi chỉ một buổi. Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vấn đề địa phương, đơn vị kiến nghị”, ông Nghĩa cho hay.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nghĩa, luật cần quy định chặt chẽ các vấn đề trên để giám sát chuyên đề đạt mục tiêu đề ra, giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong thực tế, đảm bảo hoạt động này của Quốc hội và HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.