Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm vì để nợ giai đoạn 2011 - 2015 vượt trần

17/10/2016 17:12 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm việc để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011 - 2015 vượt mức trần .

Vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước
Trình bày Báo cáo thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, 17.10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải thông tin: Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.
Theo quan điểm của Ủy ban TCNS, việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ giai đoạn 2016 - 2020 cần đặt trong mối quan hệ tổng thể với Kế hoạch tài chính trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, phải bám sát và thể chế hoá văn kiện Đại hội Đảng XII, Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011 - 2015 (nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ/ GDP là 50% nợ nước ngoài của quốc gia) và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.

tin liên quan

Nợ công có thể chiếm 80 - 90% GDP vào 2020
Phát biểu tại hội thảo Triển vọng kinh tế VN do Ngân hàng HSBC VN và Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại VN tổ chức hôm qua 13.9, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với hai thách thức vĩ mô quan trọng.
Theo Ủy ban TCNS, đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53%, song đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%. Đồng thời, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011 - 2015 vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần kịp thời áp dụng các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép, đưa tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách nhà nước xuống dưới mức 25% và bảo đảm trong giai đoạn tới số vay đảo nợ năm sau phải thấp hơn năm trước.
Theo báo cáo về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 2016 - 2020 của Chính phủ đến cuối 2015, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Các mức nợ này theo Chính phủ, về cơ bản phù hợp với mục tiêu Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết ngoài các khoản nợ công theo quy định của luật Quản lý nợ công nói trên, còn phát sinh một số khoản nợ trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước nhưng chưa bố trí nguồn trả nợ.
Cụ thể, các khoản nợ này gồm 9.860 tỉ đồng nợ chi phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với hai ngân hàng chính sách là Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội (tính đến cuối 2015); 22.090 tỉ đồng nợ Quỹ Bảo hiểm xã hội (phần thuộc trách nhiệm của ngân sách Nhà nước phải trả BHXH cho người lao động trước năm 1995 nhưng về hưu sau năm 1995) và 39.080 tỉ đồng là tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và các địa phương chưa được bố trí vốn để xử lý chuyển các năm tiếp theo xử lý trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 (trong đó T.Ư là 2.101 tỉ đồng, địa phương là 36.979 tỉ đồng).
Về số liệu nợ doanh nghiệp nhà nước, báo cáo cho biết số liệu cập nhật đến 31.12.2015 hiện đang được các doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo.
Chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng
Về những tồn tại, hạn chế trong vấn đề nợ công, báo cáo của Chính phủ cho biết chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng. Một số khoản vay ODA bị ràng buộc sử dụng thiết bị nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, làm cho chi phí đầu vào cao, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Các khoản vay của các chủ nợ châu Âu thường ràng buộc về mua sắm thiết bị; các khoản vay từ chủ nợ Nhật Bản, Hàn Quốc ràng buộc đấu thầu hạn chế giữa các nhà thầu; các khoản vay của Trung Quốc ràng buộc về chỉ định nhà thầu Trung Quốc.

tin liên quan

Nợ công báo động đỏ, tỉnh vẫn xin thêm xe công?
Trong khi nợ công của Việt Nam đang ở tình trạng báo động thì mỗi năm ngân sách vẫn phải chi khoảng 12.800 tỷ đồng cho xe công. Vậy mà nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục ‘kêu khổ’ vì thiếu xe công.
Báo cáo cũng nêu ra tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của các dự án nói chung, trong đó có các dự án sử dụng vốn vay nợ công, so với phê duyệt ban đầu và việc điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến.
Theo đó, một số dự án có mức tăng tổng mức đầu tư lớn, điển hình như dự án Metro Hà Nội vay vốn ODA của Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro; dự án đướng sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vay Trung Quốc tăng từ mức 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng; dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 vay Nhật Bản tăng từ mức 11.464 tỉ đồng lên 22.259 tỉ đồng và đang kiến nghị tăng lên 26.051 tỉ đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.